MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh nghiệm sau thu hoạch vụ lúa chất lượng cao ở Cần Thơ

Quang Linh LDO | 28/08/2024 16:53

Thu hoạch lúa chất lượng cao tại Cần Thơ cho thấy, tín hiệu đáng mừng về kinh tế và môi trường, song cũng giúp rút ra bài học kinh nghiệm.

Vụ lúa hè thu 2024, TP Cần Thơ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) triển khai mô hình thí điểm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha) tại huyện Vĩnh Thạnh, với quy mô khoảng 47ha.

Nông dân trong vùng được tập huấn và ứng dụng kỹ thuật sản xuất, sử dụng giống xác nhận, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa từ khâu làm đất đến gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch.

Nơi thực hiện thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở TP Cần Thơ. (Hình ảnh vào tháng 5.2024) Ảnh: Tạ Quang.
Thu hoạch lúa chất lượng cao phát thải thấp ở HTX Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang.

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Thuận ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho hay, HTX vinh dự được chọn là nơi triển khai mô hình thí điểm Ðề án 1 triệu ha. Khi triển khai mô hình, các xã viên cũng khá hồi hộp, lo lắng nhưng vẫn đồng hành cùng TP để thử nghiệm nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tháng 7 cùng năm, mô hình thí điểm này thu hoạch xong. Ngày 28.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ - thông tin, kết quả sơ kết thực hiện thí điểm mô hình Đề án cho thấy tín hiệu đáng mừng.

Theo đó, mô hình giúp nông dân đã giảm được nhiều chi phí đầu vào, như: tổng chi phí đầu vào giảm 10-15% so với đối chứng; giảm 50% lượng giống sử dụng; giảm 30% lượng phân bón đạm; giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%;...

Về lợi nhuận mô hình điểm cao hơn đối chứng từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha, tương đương 6,6-31,5%; giảm phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha so với đối chứng. Doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tham gia Đề án với giá cao hơn 300 đồng/kg.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang.

"Với những thuận lợi và khó khăn, Sở rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tiếp tục vận động nông dân đem rơm rạ khỏi đồng ruộng; vận động nông dân giảm lượng giống gieo sạ. Hơn nữa, thời điểm này, chúng ta chỉ mới có sản phẩm gạo giảm phát thải chứ chưa nhãn hiệu, thương hiệu gạo. Đó là lý do thị trường chưa phát triển, doanh nghiệp chưa tiếp cận thuận lợi.

Sở sẽ tiến tới thực hiện các giải pháp tiếp theo để có sự đồng thuận của nông dân trong vùng sản xuất để thực hiện cùng 1 quy trình và đồng hành của doanh nghiệp trong liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ" - ông Nghiêm cho biết.

Theo kế hoạch thực hiện mô hình vụ Đông Xuân 2024-2025, TP Cần Thơ sẽ nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải từ 50ha hướng đến 200ha và tăng cường nhân rộng thêm nữa trên cơ sở chất lượng, an toàn và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn