MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu công nghiệp Liên Hà Thái - điểm sáng thu hút đầu tư FDI vào Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư FDI nhìn từ thành công của quê lúa Thái Bình

TRUNG DU LDO | 10/02/2024 16:25

Thái Bình - Môi trường đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, năm 2023 tỉnh Thái Bình xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Quê lúa xác lập kỷ lục cho chính mình về thu hút FDI

Theo đánh giá, chưa khi nào việc thu hút FDI của tỉnh Thái Bình lại khởi sắc như năm 2023 vừa qua. Nếu như giai đoạn từ năm 1987 (thời điểm lần đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành) đến năm 2020, tổng thu hút FDI của địa phương này chỉ đạt gần 800 triệu USD thì từ năm 2021 đến nay, tổng thu hút FDI của tỉnh đạt 4,1 tỉ USD. Trong đó riêng năm 2023 đạt gần 3 tỉ USD, gấp gần 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Thái Bình lần đầu tiên lọt top 5 thu hút FDI toàn quốc. Ảnh chụp màn hình

Với kết quả này, Thái Bình tự hào đứng trong tốp 5 toàn quốc cùng các tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Để có được bứt phá ấn tượng như vậy, trong năm 2023, Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất rượu soju tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman và dự án nhà máy tập trung sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện của đèn LED với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD của Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn...

Xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái xanh - sạch - thông minh. Ảnh: Nam Hồng

Gần đây nhất, tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.

Đây là dự án có quy mô lớn với công suất 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD. Dự án có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thành quả không phải do ngẫu nhiên

"Với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh; luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Thái Bình đã quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Lễ ký kết thoả thuận giữa Công ty Cổ phần Green i-Park và Tập đoàn HiteJinro (Hàn Quốc). Ảnh: Nam Hồng

Cùng với đó, tỉnh từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài tại Thái Bình", lãnh đạo tỉnh Thái Bình chia sẻ về kinh nghiệm để đạt được con số thu hút FDI ấn tượng năm 2023.

Sự vươn lên mạnh mẽ trong thu hút đầu tư của Thái Bình còn thể hiện ở hiệu quả của việc phát huy các lợi thế sẵn có như: Lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 10 Khu công nghiệp, trong đó có 4 Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình và 49 Cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khu kinh tế Thái Bình với diện tích 30.583 ha, trong đó có 22 Khu công nghiệp với diện tích 8.020 ha đất công nghiệp đang được tích cực triển khai xây dựng; vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km...

Ông Đỗ Văn Lân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và Phát triển tỉnh Thái Bình, cho biết: "Để tạo thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tại Hàn Quốc (Korea Desk Thai Binh) và Văn phòng Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào tỉnh Thái Bình tại Seoul; tích cực chuẩn bị tốt các hệ điều kiện để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Anh...

Đặc biệt, đầu tháng 12.2023, chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu cho tỉnh tổ chức thành công chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”. Từ đó góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn