MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 9 tháng qua, mức tăng trưởng cao ở cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Ảnh: THI THẢO

Kinh tế 2018 tăng trưởng cao nhưng sẽ chậm dần: Mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% năm 2019 là thách thức

KHÁNH VŨ - LAN HƯƠNG LDO | 05/10/2018 10:23
Đánh giá kinh tế năm 2018 và dự kiến kế hoạch tăng trưởng 2019, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Sáng 2.10.2018, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ở mức 6,5-6,7% năm 2018 và 6,5-7% cho 5 năm 2016 - 2020, thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Kinh tế 9 tháng tăng trưởng cao nhất 8 năm qua

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong trung hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng ổn định ở mức 6,5%. Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định kinh tế Việt Nam có thể duy trì trên 6,7% từ 2019- 2020. Với kinh tế Việt Nam trong năm 2018, cùng với kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi và những cải cách trong nước, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc và tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của thế giới trong 2 năm nữa, đặc biệt là hoạt động XK. Ngân hàng Thế giới và IMF đánh giá trong trung hạn kinh tế Việt Nam sẽ tăng ổn định ở mức 6,5%, còn theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thì có thể duy trì trên 6,7% từ 2019-2020.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) đánh giá: “Sau 9 tháng của năm 2018, có thể nhận định rằng kinh tế Việt Nam trong cả năm 2018, về tổng thể, sẽ khả quan với hầu hết các chỉ tiêu đều đạt hoặc vượt kế hoạch”. Theo ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục mạnh. Triển vọng tiêu dùng tư nhân tiếp tục sáng sủa, trong khi triển vọng đầu tư tư nhân vẫn ổn định nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp mới. Việc đẩy nhanh chi tiêu đầu tư công trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư.

“Tăng trưởng 6,6 - 6,8% vẫn là thách thức”

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2018 là 6,8%, vào năm 2019 là 6,6%; và năm 2020 sẽ là 6,5%. Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cũng dự báo lạm phát sẽ ở mức xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ. Cân đối tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát.

TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, trong năm 2019 mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% vẫn là thách thức. Năm 2018 kinh tế thế giới tăng trưởng cao nhưng sang năm 2019, kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới sẽ chịu nhiều rủi ro hơn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Về lạm phát, mục tiêu kiềm chế chỉ số giá CPI chỉ tăng khoảng 4% trong năm 2019 là khả thi vì giá dầu và giá thực phẩm đã đạt mức cao và khó tăng mạnh trong thời gian tới”.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm trong năm nay, áp lực lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Tiền đồng đã yếu đi kể từ tháng 7 và có thể tiếp tục bị áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên. Nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với đồng USD thì có thể gây thêm áp lực lên tiền đồng, làm tăng lạm phát. Hơn nữa, giá dầu thế giới tăng sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát, cũng như việc tăng giá lương thực. Giá lương thực, chiếm tỉ trọng khoảng 1/3 trong giỏ hàng hoá tiêu dùng, đã tăng 2,3% trong 8 tháng đầu năm, đảo ngược xu hướng giảm trong cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lạm phát trung bình năm được dự báo sẽ tăng lên tới 4,0% trong năm 2018 và tiếp tục lên 4,5% vào năm 2019, cả hai đều cao hơn dự báo hồi tháng 4. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam; mặc dù FDI vẫn duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay, song sau đó đã giảm sút.

“Về giải pháp, việc Chính phủ chủ trương tiếp tục ổn định vĩ mô, cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và sản xuất kinh doanh là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần chuẩn bị giải pháp để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, hay sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước nếu kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại” - TS Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến.

Các chuyên gia của World Bank cho rằng Việt Nam cần ưu tiên cải cách nhằm giảm chi phí thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí thương mại thông qua hợp lý hóa các biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu và dịch vụ hậu cần. Điều đó có thể được thực hiện qua một chương trình tổng thể gồm bốn trụ cột: Thứ nhất, giảm chi phí thương mại - liên quan đến thời gian tuân thủ các thủ tục và biện pháp kiểm tra chuyên ngành trước khi ra cửa khẩu và tại cửa khẩu. Thứ hai, cải thiện chất lượng kết nối và hạ tầng liên quan đến thương mại. Thứ ba, hình thành ngành dịch vụ logistics cạnh tranh. Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành và phối hợp với khu vực tư nhân.

* Dựa trên các biện pháp được tiến hành gần đây và định hướng chính sách trong tương lai, cần xem xét việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong thời gian trước mắt để kiềm chế lạm phát. Rủi ro đối với triển vọng kinh tế có xu hướng gia tăng. Nếu căng thẳng thương mại leo thang trên toàn thế giới gây tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu và phá vỡ mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị tác động xấu. (Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam)

* Chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng cần song hành với những cải cách cơ cấu sâu và toàn diện, bao gồm cải cách các quy định để loại bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, đồng thời tiếp tục cải cách để nâng cao năng suất của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù triển vọng trước mắt được cải thiện, nhưng còn nhiều rủi ro. Nhìn từ trong nước, tiến độ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực nhà nước. Rủi ro bên ngoài bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, bất định căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến có thể dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính. (Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn