MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh tế 24h: “Bóc mẽ” chiêu trò né thuế trên Facebook; Thủ tục hành chính vô lý “đốt” tiền doanh nghiệp

Văn Thắng - Lan Hương LDO | 12/07/2017 09:52
Dân buôn “né”, ngành thuế nói “không đánh trống bỏ dùi”; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 12 dự án thua lỗ, cần giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước; Đến năm 2030, xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, gạo cấp thấp chỉ chiếm 10%... là những tin chính trong bản tin kinh tế nóng nhất trong 24h qua.

 

Dân buôn “né”, ngành thuế nói “không đánh trống bỏ dùi”!

Xem chi tiết tại đây

Chuyển hướng giao dịch bằng tiền mặt, hạ doanh thu, cung cấp giá qua inbox thay vì công khai, dân buôn bắt đầu có những chiêu thức “né thuế” khi Cục thuế TPHCM và Hà Nội bắt đầu gửi thư, tin nhắn mời các chủ tài khoản kinh doanh qua Facebook có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đến thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, kê khai thuế.

Bên cạnh đó, thay vì dồn lực vào kênh Facebook, giới kinh doanh bắt đầu mở rộng sân chơi sang Viber, Zalo hay Tweeter. Có người chuyển địa chỉ ra tỉnh khác thay vì TPHCM hay Hà Nội để tránh vòng kiểm soát của cơ quan thuế vì hiện mới có hai thành phố này tiến hành thống kê và dự kiến thu thuế đối với những tài khoản Facebook hoạt động trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 12 dự án thua lỗ, cần giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước

Xem chi tiết tại đây

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại của một số dự án, nhà máy yếu kém của ngành công thương đã có những chỉ đạo quyết liệ. Theo đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu bám sát Kết luận của Bộ Chính trị nhằm sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Ngành Công Thương đang đối mặt với nhiều khó khăn khi có tới 12 dự án, nhà máy với tổng mức đầu tư 63.610 tỉ đồng, trong đó có tới 47.000 tỉ đồng là tiền đi vay. Về thực trạng của các nhà máy, dự án này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có 6 nhà máy vận hành thua lỗ; 3 nhà máy, dự án dừng thi công; 3 nhà máy dừng hoạt động.

Đến năm 2030, xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, gạo cấp thấp chỉ chiếm 10%

Xem chi tiết tại đây

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đặc biệt tăng tỉ lệ gạo chất lượng cao trong xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững.

Phấn đấu vào năm 2030, lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn; tỉ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó, gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Ngại minh bạch, nhiều dự án BOT “câu giờ” chưa thu phí tự động

Xem chi tiết tại đây

Khởi động từ sớm nhưng việc triển khai thu phí tự động tại các trạm BOT vẫn chậm trễ mà nguyên nhân chính được Bộ GTVT xác định là các nhà đầu tư ngại minh bạch.

Trong cuộc họp về tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1, áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên ngày 5.7, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng một trong những nguyên nhân lớn kéo chậm tiến độ triển khai việc này chính là sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT và nếu các nhà đầu tư còn tránh né thì vấn đề này sẽ tiếp tục bị chậm trễ.

Thủ tục hành chính vô lý “đốt” tiền của DN

Xem chi tiết tại đây

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, đang tồn tại nhiều quy định hành chính máy móc và vô lý vô hình chung đã làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và xã hội, khiến tổng chi phí logistics của Việt Nam chiếm đến 21% GDP. Trong khi đó, chỉ cần doanh nghiệp tiết kiệm được 10% chi phí logistics, GDP sẽ có thêm hàng tỉ USD.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, giảm một ngày thông quan các sản phẩm nhập khẩu, doanh nghiệp tiết kiệm được 800 triệu USD. Thế nhưng, các thủ tục hành chính đang là rào cản nhiều khi ảnh hưởng, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của DN.

 



Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn