MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nền kinh tế đang ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của khu vực dịch vụ và sự cải thiện ở một số chỉ số về đầu tư, phục hồi nhẹ của xuất khẩu. Ảnh: Hải Nguyễn

Kinh tế đang phục hồi, nhiều điểm sáng cho tăng trưởng cuối năm

Phong Nguyễn - Đức Mạnh LDO | 25/08/2023 07:02

Tình hình kinh tế 4 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có không ít điểm sáng, cho thấy triển vọng phục hồi tích cực. Với nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng khá.

Tích cực phục hồi trong bối cảnh khó khăn

Nhiều số liệu được công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu “khỏe” hơn. Đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số ngành cùng kỳ năm trước chứng kiến tốc độ giảm sâu như thép, sang tháng 7, 8 năm nay đã phục hồi khá hơn. Bên cạnh đó, các ngành ôtô, xe máy… cũng có sự cải thiện rõ nét.

Xuất nhập khẩu tiếp đà tăng trở lại, tính chung 7 tháng xuất siêu đạt 16,5 tỉ USD. Dòng vốn FDI đã tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu hướng cải thiện theo từng tháng. Ảnh: Đức Mạnh

Không những thế, tháng vừa qua cũng là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn một triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa vào tháng 3 năm ngoái. Tính chung 7 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group - cho rằng: "Hiện tại nền kinh tế toàn cầu và trong nước đang có những điểm sáng loé lên, không còn nhiều khó khăn nữa. Đây chỉ là một nhịp điều chỉnh nhỏ trong con sóng tăng dài. Tuy nhiên, việc nền kinh tế tạo đáy hình chữ U hay W vẫn cần phải theo dõi thêm".

TS Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - kỳ vọng: "Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu".

Đồ họa: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu phục hồi mạnh trong tháng 7 sau nhiều tháng biến động. Nguồn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các giải pháp trọng tâm trong 4 tháng cuối năm

Ở góc độ doanh nghiệp, nêu ý kiến về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 4 tháng còn lại của năm 2023, ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch Công ty GLE (đơn vị chuyên kết nối xuất nhập khẩu) - nhấn mạnh, trong "cỗ xe tam mã", đầu tư công có thể đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam lên mức thu nhập cao hơn.

Để khai thác sức mạnh của đầu tư công, Việt Nam cần duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án và khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công và thể chế tài chính liên ngành.

"Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 vẫn tập trung vào các vấn đề trọng tâm như kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh du lịch, giám sát tiến độ giải ngân đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu, kìm giữ lạm phát theo mục tiêu đã đề ra… Đây là các vấn đề trọng tâm cần được đẩy mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất" - ông Vũ Tuấn Anh nói.

Với những điều kiện bất lợi trong nước và nền kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, cần sử dụng một số biện pháp kích cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều sau khi thúc đẩy tổng cầu trong thời gian tới: ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn; các chính sách kích cầu phải hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao; hướng vào hàng hóa nội địa. Hiện nay, một số chính sách giảm thuế VAT, phí trước bạ chưa thực sự đúng đối tượng.

Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh gợi ý nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá để thúc đẩy tổng cầu. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, có thể kích cầu thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, từ nay đến cuối năm cần thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản đã đề ra. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động.

Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm. Mức tăng trưởng này của Việt Nam là nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Theo IMF, trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.

Trong khi đó, Trưởng Bộ phận Tư vấn ASEAN tại hãng tư vấn Dezan Shira & Associates, ông Marco Förster cho hay, Việt Nam được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn nhờ vị thế mới nổi là trung tâm sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á, dân số có trình độ học vấn cao và vốn đầu tư tăng.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings tin rằng, lực lượng lao động trẻ, ngày càng có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh cao là sức hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan này đồng thời dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 24 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và Việt Nam dần giải quyết những thách thức trong nước.

Trong “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo trong báo cáo kinh tế vĩ mô gần đây rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm) trong nửa cuối năm. Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của ngân hàng Standard Chartered - nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực khi nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa. Lượng khách du lịch liên tục phục hồi sẽ hỗ trợ cán cân dịch vụ. Thanh Hà

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn