MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn thu hút đông đúc du khách về đêm. Ảnh: Anh Tú

Kinh tế đêm, "liều thuốc" sớm vực dậy ngành du lịch TPHCM?

Huân Cao LDO | 06/04/2021 17:52

Kinh tế đêm được kỳ vọng đóng góp tỉ trọng lớn cho ngành du lịch TPHCM. Nhiều ý kiến cho rằng, để sớm vực dậy ngành du lịch sau dịch, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm hơn nữa.

Kỳ vọng là "liều thuốc" vực dậy ngành du lịch

Tháng 7.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. TPHCM là một trong 10 tỉnh, thành được Thủ tướng cho phép thí điểm tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - GĐ Sở Du lịch TPHCM cho biết, để sớm phục hồi ngành du lịch, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM và UBND các quận, huyện để khai thác có hiệu quả hơn các sản phẩm du lịch hiện có gắn với kinh tế về đêm trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Sở Du lịch sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm tại các tuyến phố như: Bùi Viện, Nguyễn Huệ (quận 1); Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11); Quảng trường nhạc nước Hòa Bình Square (quận Gò Vấp),...

Bên cạnh các phố đi bộ, một số tuyến phố chuyên doanh khác thu hút nhiều du khách như: Phố ẩm thực; phố Đông y; phố vàng, bạc, đá trang sức; phố lồng đèn,...cũng được đẩy mạnh phát huy tối đa. Ngoài ra, các quán bar, câu lạc bộ, quán cà phê cũng hấp dẫn du khách, đây được xem là một dịch vụ thế mạnh của TPHCM mà không phải địa phương nào cũng có được.

"Thời gian tới, ngành du lịch thành phố cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy. Theo đó, khách du lịch có thể ngồi các tàu nhà hàng vừa ngắm cảnh sông nước Sài Gòn về đêm vừa thưởng thức ẩm thực, văn nghệ gắn với các hoạt động giải trí tại Bến Bạch Đằng"- bà Hoa nói.

Lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết thêm thông tin, ngành du lịch TPHCM đã xác định, kinh tế đêm là sản phẩm trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030. Qua khảo sát thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là 1 trong 3 sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách nhất.

Không nên phát triển ồ ạt, mà có chọn lọc

Ông Đỗ Văn Thức, PGĐ Công ty Du lich Đất Việt cho rằng, để vực dậy và sớm hồi phục ngành du lịch TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cần đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, các dịch vụ vui chơi cho du khách về đêm được xem là thế mạnh của TPHCM và là một 'liều thuốc" hiệu quả để trị được căn bệnh "đứng hình" của ngành du lịch hiện nay.

"Nếu chúng ta nhìn ra nước ngoài thì Thái Lan là nước thành công trong việc khai thác du lịch ban đêm. Theo như đánh giá của tôi, du khách ban ngày thường đi tham quan danh lam thắng cảnh, nên việc chi tiêu ban đêm luôn mạnh hơn ban ngày, theo tỷ lệ 60% chi tiêu vào ban đêm, ban ngày chiếm 40%. TPHCM từ ngày phố đi bộ Nguyễn Huệ hình thành thu hút lượng lớn du khách, song song với đó là phố Tây Đề Thám, Phạm Ngũ lão cũng thu hút lượng lớn khách quốc tế cũng như khách nội địa" - ông Thức nói.

Theo ông Thức việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm là điều cần thiết, nhưng chúng ta không mở ồ ạt theo trào lưu mà phân ra rõ ràng và có sự chọn lọc. Theo đó, kinh tế đêm nên khai thác đồng bộ bao gồm cả 3 mảng mà du khách có thể quan tâm và dùng chi tiêu.

"3 mảng đấy có thể liệt kê ra như: Ẩm Thực (hình thành khu chợ đêm ẩm thực) hoặc phố ẩm thực mà mỗi đêm 1 món chuyên đề ẩm thực; Vui chơi giải trí (các lệ hội, các sân khấu, hoạt động nghệ thuật định kỳ ban đêm tổ chức thu hút khách); Khu mua sắm (như chợ Bến Thành) cần nhân rộng và đa dạng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Các khu này không cách quá xa nhau để tạo tính hệ thống và nhu cầu liên thông, ăn xong đi xem nghệ thuật, xem xong đi mua sắm và ngược lại" - ông Thức chia sẻ.

Ông Thức cũng cung cấp thêm thông tin, khi quy hoạch xây dựng kinh tế ban đêm, cần làm cho người dân sinh sống kinh doanh khai thác khu vực đó hiểu và thực sự làm chủ thể của mô hình kinh doanh này. Từ đó họ có ý thức bảo vệ môi trường, kinh doanh du lịch cùng nhau khai thác tăng nguồn thu nhập cho đời sống gia đình họ. Làm được điều này, sản phẩm du lịch không chỉ dừng lại ở kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị văn hóa của vùng miền mạnh mẽ hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn