MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nền kinh tế Đức đang đối mặt với nhiều bài toán nan giải. Ảnh: Xinhua

Kinh tế Đức và cú trượt từ đỉnh châu Âu

Quý An (theo The Economist) LDO | 24/08/2023 11:04

Lãi suất đã tăng nhanh chóng ở khu vực đồng Euro, bắt đầu gây tổn hại đến hoạt động đầu tư kinh doanh và xây dựng của Đức.

Những năm 2000, Jobwunder (phép màu việc làm) đã đạt đến mức nở rộ, hầu như không bị cản trở bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Từ thời điểm đó đến những năm 2010, nền kinh tế Đức tăng trưởng 24%, so với 22% ở Anh và 18% ở Pháp. Đến năm 2020, mô hình kinh tế từng được ca ngợi của Đức dần không thể đưa dịch vụ công tăng trưởng như mong đợi.

Đức là một ví dụ điển hình cho một quốc gia bị ảnh hưởng từ nhiều tác động ngoại cảnh, từ xung đột ở Ukraina cho đến tình hình kinh tế Trung Quốc gần đây. Theo dự báo của IMF, Đức sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất suy thoái trong năm nay, kèm theo đó là tăng trưởng kinh tế mờ nhạt.

Đức đang đối mặt với 3 vấn đề: Ngành công nghiệp dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh từ nước ngoài và các yếu tố địa chính trị; hành trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0; lực lượng lao động già bất thường. Tệ hơn nữa, dường như chưa có sự chuẩn bị nào để đón những thách thức này.

Lãi suất đã tăng nhanh chóng ở khu vực đồng Euro, bắt đầu gây tổn hại đến hoạt động đầu tư kinh doanh và xây dựng của Đức. Hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào ở châu Âu, đối tác thương mại lớn của Đức là Trung Quốc đang gặp vấn đề kinh tế. Trong khi đó, cú sốc giá khí đốt năm ngoái vẫn còn ảnh hưởng. Sản xuất công nghiệp sử dụng vốn ngốn nhiều năng lượng vẫn chưa phục hồi từ mức thấp của năm ngoái. Người tiêu dùng trong nước đang gặp khó khăn: Tiền lương thực tế chỉ mới bắt đầu tăng.

Các bộ trưởng đang cân nhắc cách ứng phó. Đảng Xanh - một đảng ủng hộ doanh nghiệp - muốn chi 30 tỉ Euro (tương đương 0,7% GDP) để trợ cấp điện cho mục đích công nghiệp, tài trợ cho công trình xanh và nhà ở xã hội. Đảng FDP muốn cắt giảm thuế và tạo động lực cho khu vực tư nhân đầu tư. Cả hai kế hoạch đều sẽ dẫn đến thâm hụt tài chính rộng hơn.

Dù áp dụng giải pháp nào, các vấn đề của Đức dường như sẽ kéo dài trong một thời gian. IMF ước tính, nền kinh tế Đức sẽ chỉ tăng trưởng 8% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2028, ngang bằng với Anh – một quốc gia đang gặp khó khăn khác ở châu Âu. Trong cùng thời gian, Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng 10%, Hà Lan 15% và Mỹ 17%.

Các biến động địa chính trị sẽ mang lại một số lợi ích cho nước Đức. Các công ty đang tìm cách tái sản xuất các đầu vào quan trọng như chất bán dẫn hoặc xây dựng nhà máy cho các sản phẩm mới. Hãng xe điện Tesla đã xây dựng một nhà máy gần Berlin và có kế hoạch phát triển thành cơ sở sản xuất ôtô lớn nhất nước Đức.

Intel đã đồng ý thành lập một cơ sở sản xuất chip trị giá 30 tỉ Euro ở Magdeburg. Vào ngày 8.8, TSMC và 3 nhà sản xuất chip khác đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 10 tỉ Euro ở Dresden.

Tuy nhiên, những khoản đầu tư này gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Đức sẽ phải trợ cấp khoảng 10 tỉ Euro cho Intel, 5 tỉ Euro cho TSMC. Trong khi đó, việc giảm liên kết thương mại với các nước ngoài phương Tây sẽ gây tổn hại do Đức phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các đối thủ mới nổi của Trung Quốc cũng là mối đe dọa đáng kể, đặc biệt đối với các nhà sản xuất ôtô. BMW, Mercedes, Porsche, Volkswagen có nguy cơ bị vượt mặt khi người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện. Tổng vốn hóa thị trường của cả 4 ông lớn hiện chưa bằng một nửa so với Tesla.

Một mạng lưới ống hydro cũng đang được lên kế hoạch, nhưng vẫn sẽ là một yêu cầu cao (và tốn kém) để sản xuất ra năng lượng xanh cần thiết. Theo dự báo của chính phủ, ngay cả khi các mục tiêu về hydro được đáp ứng, khí đốt sẽ chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu trong nước vào năm 2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn