MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trang Facebook livestream bán giày thể thao thu hút lượt người theo dõi khá cao. Ảnh chụp màn hình

Kinh tế livestream tỉ đô đang trỗi dậy tại Việt Nam

Thế Lâm LDO | 18/01/2021 16:04
Xu thế livestream bán hàng đã lan rộng trong cộng đồng vài năm trở lại đây. Thậm chí, ngành kinh tế livestream được cho rằng có giá trị hàng tỉ đôla đang diễn ra sôi động tại Việt Nam.

Từ đặt cược vào ứng dụng livestream…

Mới đây VinaCapital Ventures đã quyết định đầu tư vào ứng dụng livestream nội địa của Việt Nam có tên GoStream với số tiền trong vòng gọi vốn đầu tiên là 1 triệu USD. Khoản đầu tư bước đầu không quá lớn nhưng cho thấy một trong những quĩ đầu tư mạo hiểm lớn đang hoạt động tại Việt Nam đã có sự quan tâm, đặt cược vào lĩnh vực livestream.

Tại Việt Nam hiện nay, các ứng dụng livestream hầu hết là của nước ngoài, được cung cấp qua nền tảng trực tuyến xuyên biên giới, như Facebook, YouTube, Instagram, BigoLive… Trong đó, Facebook vẫn là nền tảng được sử dụng để livestream nhiều nhất, cả trong hoạt động giải trí, du lịch, tường thuật sự kiện và đặc biệt là bán hàng.

Ngành kinh tế livestream là một trong những hoạt động thuộc nền kinh tế số, không còn quá mới mẻ song lại mới chỉ thịnh hành tại Việt Nam vài năm trở lại đây.

Trên thế giới, hoạt động livestream bán hàng còn được gọi là live commerce, đặc biệt phát triển mạnh ở Trung Quốc, Mỹ… và đã trở thành một ngành công nghiệp tỉ đô. Ngay cả tỉ phú Jack Ma nổi tiếng thế giới cũng từng tham gia livestream bán son môi trong những tháng dịch COVID-19 năm 2020; còn ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian (Mỹ) là một trong những streamer bán hàng nổi tiếng…

Trong khi đó, nền tảng do tỉ phú Jack Ma sáng lập là Alibaba đã và đang xây dựng một đội ngũ 100.000 KOLs (người có tầm ảnh hưởng) trở thành những đại sứ bán hàng trên nền tảng này.

… đến một ngành mới trong nền kinh tế số

Trong dịp khuyến mãi trực tuyến ngày 12.12.2020, một doanh nghiệp chuyên bán các loại phụ kiện điện thoại di động tại TPHCM chỉ trong vòng 24 giờ đã chốt số đơn hàng có giá trị lên đến 13 tỉ đồng. Còn trong thời gian giãn cách xã hội trong năm 2020, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng livestream bán hàng làm từ thiện đã chốt được con số “khủng” lên đến hơn 12.000 đơn hàng.

Những streamer tham gia ngành công nghiệp bán hàng qua livestream tại Trung Quốc hiện đã được xếp vào một loại ngành nghề ổn định, có khai thuế, chứ không còn là “việc làm thêm” như cách nhìn nhận trước đây nữa.

Dịch COVID-19 trong năm 2020 đã kích thích ngành livestream bán hàng một cách mạnh mẽ. Theo thống kê, thị trường Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm; tính ra mỗi ngày có khoảng từ 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng tại Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều cung cấp nền tảng và dịch vụ cho các chủ shop livestream bán hàng. Các nền tảng này có lợi thế là lượng người theo dõi lớn, chủ shop lại không phải tốn tiền mua quảng cáo để có thêm lượt tiếp cận người dùng.

Các streamer livestream bán hàng qua phương thức này có thể linh hoạt về thời gian, mỗi ngày mỗi người chỉ cần livestream 2-3 lần theo khung giờ. Lợi thế của phương thức bán hàng này là có thể tương tác trực tiếp cho khách hàng ở xa. Không ít người trong số đó có thể đạt doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn