MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FED đặt mục tiêu đưa lạm phát về 2%. Ảnh: Xinhua

Kinh tế Mỹ đang tiến gần với “hạ cánh mềm”

Quý An LDO | 14/08/2023 14:47

Xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ đang giảm dần khi lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới có tín hiệu giảm. Bất chấp 11 lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trước đó, nhiều khả năng các quan chức Mỹ đang tính toán cho một cuộc "hạ cánh mềm".

Cơ hội thoát suy thoái

Tuần trước, Bank of America đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên ở Phố Wall rút lại dự báo về suy thoái kinh tế. Các chuyên gia kinh tế của FED cũng có chung nhận định.

“Hạ cánh mềm” (soft landing) được hiểu là kiềm chế lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trong suốt 60 năm qua, FED chỉ có một lần đạt được kịch bản này.

“Hạ cánh mềm” là khi tổng sản phẩm quốc nội - thước đo về sản lượng kinh tế - không thể giảm trong hơn một vài tháng tại một thời điểm. Đó là một trong những khía cạnh quan trọng được xem xét khi đưa ra nhận định về suy thoái kinh tế, ngoài các yếu tố khác như việc làm, thu nhập hộ gia đình và sản xuất công nghiệp.

Mức chi của người tiêu dùng tại Mỹ chiếm khoảng 2/3 sản lượng kinh tế nước này. GDP sẽ bị ảnh hưởng nếu người dân thắt chặt chi tiêu hơn.

Bà Kayla Bruun - chuyên gia kinh tế tại Morning Consult - cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng người tiêu dùng sẽ chi tiêu mạnh hơn để hỗ trợ GDP và đầu tư kinh doanh nói chung. Tình hình hiện tại đang tăng chậm, nhưng khả quan. Tôi đang cố xác định xem Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái kinh tế hay chưa. Đây là điều mà chúng tôi có thể không nhận ra được trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi nó xảy ra”.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội) trung bình hơn 2% hàng năm trong hai quý đầu năm 2023, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Công cụ GDPNow của FED Atlanta ước tính, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ sẽ đạt mức ấn tượng với 3,9% trong quý III. Nếu xảy ra suy thoái, nền kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm rất mạnh trong những tuần tới. Tuy nhiên, đây là điều rất khó xảy ra.

Trong một cuộc “hạ cánh mềm”, thị trường việc làm phải giữ được sự ổn định với tỉ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng việc làm không quá mạnh mẽ.

Bà Julia Pollak - chuyên gia kinh tế của ZipRecruiter - phân tích: “Theo cách hiểu thông thường, tỉ lệ thất nghiệp 4% là một ranh giới. Nhiều thứ sẽ xảy đến với nền kinh tế nếu số người thất nghiệp dưới mốc này. Với tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%, thị trường việc làm đang tăng trưởng”.

Vị chuyên gia cũng nhận định, thị trường lao động tại Mỹ cũng sẽ tránh được suy thoái, tương tự như giai đoạn 2015-2019.

Thời điểm FED đạt mục tiêu

Trong cuộc chiến với lạm phát, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi liệu có bắt buộc phải đưa lạm phát về đúng mức 2% của FED để có thể tuyên bố đạt mục tiêu hay không.

Chuyên gia kinh tế Josh Markman (Bel Air Investment Advisors) nêu quan điểm: “Tôi không nghĩ 2% là ngưỡng quan trọng. Tôi nghĩ FED sẽ rất vui khi thấy mức lạm phát là 3%, miễn là lạm phát giảm”.

Thông thường, FED sẽ không muốn lạm phát trên mức 2% trong thời gian quá lâu, bởi khi đó lạm phát sẽ có cơ hội bật trở lại mạnh mẽ hơn ban đầu. Cục Dự trữ Liên bang vẫn đang cân nhắc về một lần tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay, bất chấp CPI tháng 6.2023 đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Quyết định cuối cùng cho “hạ cánh mềm” nằm ở cả Cục Dự trữ Liên bang và Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER).

Nếu mục tiêu lạm phát đã đạt được, FED sẽ thông báo lạm phát đã nằm trong mục tiêu (có thể là 2% hoặc được sửa đổi) và tập trung vào các nhiệm vụ khác để giữ thị trường việc làm hoạt động bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn