MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VNG, kì lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam từ năm 2014 đang lấn sân sang các dịch vụ trực tuyến. Ảnh: Đào Hải.

Kinh tế số Việt Nam: Vì sao chưa nhiều startup “kì lân công nghệ”?

Thế Lâm LDO | 13/02/2021 09:00

“Kì lân công nghệ” không phải là một danh hiệu mà bản chất là phản ánh một thành quả về giá trị doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế số…

Gọi tên những “kì lân công nghệ” Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam theo thống kê có trên 3.000 doanh nghiệp startup, tuy nhiên cho tới thời điểm này chỉ mới có vỏn vẹn 2 doanh nghiệp startup được gọi là “kì lân” hoạt động trong lĩnh vực Internet, thanh toán trực tuyến liên quan đến công nghệ, hay thuộc phạm trù nền kinh tế số.

“Kì lân công nghệ” đầu tiên tại Việt Nam là Công ty cổ phần VNG, thành lập năm 2004, ban đầu chuyên cung cấp dịch vụ game online, sau đó mở rộng sang lĩnh vực Internet. VNG mất đúng 10 năm, tức vào năm 2014, được định giá trên 1 tỉ USD.

Cuối năm 2020, theo Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay – một doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, đã chính thức trở thành kì lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam sau khi gọi vốn thành công từ Softbank Vision Fund (Nhật Bản) và quĩ đầu tư nhà nước GIC Pte (Singapore). Như vậy là phải mất từ 5-6 năm nền kinh tế Việt Nam mới có một “kì lân công nghệ” thứ hai.

“Kì lân công nghệ” thứ ba của Việt Nam sẽ gọi tên startup nào vẫn chưa thể có đáp số ngay thời điểm đầu năm 2021 này.

Vì sao số lượng “kì lân công nghệ” của Việt Nam còn khiêm tốn?

Khu vực Đông Nam Á đến thời điểm này có hơn 10 startup “kì lân công nghệ”, trong đó Indonesia sở hữu nhiều nhất, tiếp theo là Singapore. Trên thực tế, Indonesia là “cường quốc kì lân công nghệ” không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả trên phạm vi Châu Á và Thế Giới.

Singapore ở vị trí thứ hai nhưng thực sự những “kì lân công nghệ” có gốc gác của Singapore lại không nhiều nếu không muốn nói là từ các quốc gia khác đến. Đơn cử Grab từ Malaysia đến Singapore mở đại bản doanh, SEA Group có nguồn vốn ngay từ ban đầu đến từ Trung Quốc, Lazada đã được Alibaba mua lại…

Malaysia trên danh nghĩa chưa có “kì lân công nghệ” nhưng về thực chất Grab có gốc từ quốc gia này, không chỉ là “kì lân” mà còn là một “siêu kì lân công nghệ” có giá trị lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tiếp sau là GoJek của Indonesia, cùng được định giá từ 10 tỉ USD trở lên.

Việt Nam hiện có 2 “kì lân công nghệ”, với VNPay cán ngưỡng 1 tỉ USD, còn VNG được định giá từ 1,5-1,7 tỉ USD. Việt Nam vẫn xếp trên các quốc gia tốp dưới trong khu vực Đông Nam Á về số lượng “kì lân công nghệ”, tuy nhiên nếu so với tốp trên thì còn kém cả số lượng và qui mô, giá trị.

Nhà sáng lập Đinh Văn Hồng Vũ của ứng dụng dạy và học tiếng Anh Elsa Speak tại thung lũng Silicon (california, Mỹ) cho rằng, một startup muốn có hướng phát triển mạnh, mở rộng trước hết cần chọn được lĩnh vực có dung lượng người dùng lớn.

VNPay, kì lân công nghệ thứ hai của Việt Nam chuyên về thanh toán trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: Thế Lâm.

Còn theo thạc sĩ marketing Tuyết Mai đã và đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ cho rằng, Việt Nam với gần 100 triệu dân là một thị trường lớn tiềm năng về lượng người dùng và nhu cầu. Tuy nhiên, rất nhiều nhà sáng lập các startup công nghệ lại xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ từ tầm nhìn kĩ thuật công nghệ cho nên ít nhiều gặp giới hạn trong việc mở rộng phân khúc người dùng từ góc độ sở thích, trải nghiệm hay phát triển kinh doanh.

Thêm vào đó, nhiều startup hạn chế về khả năng quảng bá, tiếp thị và nguồn vốn để đẩy mạnh tiếp cận, giáo dục người dùng dẫn đến mất rất nhiều thời gian để gia tăng lượng người dùng cũng như giá trị.

Thứ ba, nhiều startup công nghệ tại Việt Nam có những nhạy bén nắm bắt xu hướng, sao chép mô hình từ nước ngoài nhưng khả năng cạnh tranh kém, gặp các doanh nghiệp cùng loại hình, ngành nghề từ nước ngoài vào thì rất dễ bị đánh bại khi chưa kịp lớn mạnh để trở thành “kì lân công nghệ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn