MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh tế thế giới thay đổi thế nào sau 1 tháng chiến sự Nga - Ukraina

Đức Mạnh LDO | 23/03/2022 17:42

Tròn 1 tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraina nổ ra vào ngày 24.2. Trên chiến trường, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt. Còn trên mặt trận kinh tế, tổn thất tính bằng hàng loạt lệnh trừng phạt có tác động như hiệu ứng Domino, lan toả chưa thấy điểm dừng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các chủ nợ lớn khác trên toàn cầu mới đây đã đưa ra cảnh báo về tác động kinh tế sâu rộng từ căng thẳng Nga - Ukraina.

Đuối sức sau COVID-19, kinh tế thế giới đang "tập tễnh" phục hồi thì lại phải đối mặt hàng loạt hệ luỵ từ cuộc chiến Nga- Ukraina.

Giá vàng liên tục phá đỉnh

Kim loại quý là mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao trước mỗi biến động của kinh tế và địa chính trị. Xung đột Nga - Ukraina lập tức đẩy giá vàng phi thẳng lên mốc 2.049 USD/ounce, tăng 7,7% chỉ trong nửa tháng. 


Diễn biến của giá vàng sau xung đột Nga - Ukraina. Ảnh chụp màn hình.

Gián đoạn nguồn cung năng lượng

Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu đứng thứ hai thế giới sau Saudi Arabia với khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Từ khi căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu đã Brent liên tục tăng phi mã lên đỉnh lịch sử 133 USD/thùng. Dầu WTI chạm mốc 128 USD/thùng vào 8.3.

Diễn biến của giá dầu Brent trong 1 tháng qua. Ảnh chụp màn hình. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Tiếp bước Mỹ, Anh cũng tuyên bố tương tự.

EU đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề này do họ quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Moscow trong hàng chục năm qua. Theo đó, 27% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt tiêu dùng tại Châu Âu là nhập khẩu từ Nga. Riêng Đức nhập tới 55% lượng khí đốt tự nhiên, 52% lượng than và 34% dầu từ Nga. 

Đáp trả, Moscow cảnh báo rằng nếu động thái này xảy ra, giá dầu thế giới có thể tăng lên gấp gần 5 lần hiện tại.

Phương Tây hiện vẫn cố gắng vận động Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tăng sản lượng hằng ngày để kéo giá dầu xuống. Nhưng cho đến nay, nỗ lực này vẫn vô ích.

Giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức kỷ lục và giá dầu duy trì trên 100 USD/thùng đang "bào mòn" ví tiền từ doanh nghiệp đến từng người dân, nhất là tại lục địa già.

Theo trang cơ sở dữ liệu Castellum.ai, Nga đã vượt qua Iran để trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất toàn cầu. Ảnh: AFP 

Hiệu ứng Domino lan tới mảng lương thực, thực phẩm 

Giá dầu tăng kéo theo giá cước vận chuyển tăng rồi giá lương thực, thực phẩm tăng theo. Chiến sự Nga - Ukraina đang minh chứng rõ ràng hiệu ứng Domino lên toàn cầu. 

Nga và Ukraina hiện chịu trách nhiệm gần 30% tổng sản lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Ukraina chiếm khoảng 90% xuất khẩu hướng dương. Ngô và lúa mạch cũng đến từ hai nước này với số lượng đáng kể. 

Các lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraina cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Nga đã chặn Biển Đen. Ukraina cũng không đủ tàu để vận chuyển lương thực qua đường bộ.

Kết quả, giá ngô và lúa mạch đã tăng lần lượt 36% và 82%.

Các nước hiện đang gấp rút lùng sục tìm nguồn cung lúa mỳ thay thế. Ảnh: AFP

Chưa dừng lại ở đó, thị trường phân bón tiếp tục bị "gõ cửa".

Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 15% nguồn cung toàn cầu. Trong tháng này, ngay vào thời điểm những nông dân trên khắp thế giới chuẩn bị gieo trồng, Nga yêu cầu các nhà sản xuất phân bón ngừng xuất khẩu. Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga cũng khiến những giao dịch mua bán phân bón trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, giá các kim loại như niken, đồng, bạch kim và palladium đang tăng chóng mặt.

“Bóng ma" lạm phát

Giá cả mọi loại nhiên liệu đến hàng hoá liên tục tăng cao trong khi kinh tế đang hồi phục sau COVID-19. Các ngân hàng trung ương sẽ phải đau đầu với thách thức kép - vừa kiểm soát giá cả, vừa phát triển kinh tế.

Trong tháng đầu tiên khi chiến sự nổ ra, lạm phát trên toàn Liên minh Châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục tới 6,2%. Phần lớn do chi phí năng lượng tăng cao. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ GDP toàn cầu trong năm nay xuống 3,5% từ mức 4,5% đưa ra trước đó, đồng thời lạm phát toàn cầu sẽ đạt mức 7,5%.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Chuyên gia kinh tế cho biết, với mức CPI dự báo bình quân 3 tháng đầu năm ở mức 2 - 2,1%. Việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022 là rất khó. Trừ khi căng thẳng địa chính trị sớm được xoa dịu và giá dầu thế giới hạ nhiệt thì tình hình mới có thể cải thiện. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn