MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong quý I/2023, tăng trưởng trong khu vực công nghiệp - xây dựng của TPHCM giảm 3,6%. Ảnh: Nam Dương

Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Để đầu tàu không tiếp tục giảm tốc

MINH QUÂN LDO | 01/04/2023 07:03

GRDP của TP Hồ Chí Minh trong quý I/2023 ước đạt khoảng 360.000 tỉ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành.

4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm

Theo Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, các ngành dịch vụ trọng yếu (chiếm hơn 60,4% GRDP của thành phố) có đến 4/9 ngành mức tăng trưởng âm, gồm: vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,7%), kinh doanh bất động sản (giảm 16,2%), y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (giảm 4,82%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng giảm 0,9% so với cùng kỳ. Ngoại thương tiếp tục gặp khó, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỉ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ ngoái. Môi trường kinh doanh còn bất lợi khi trong quý có 9.129 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có tới hơn 13.200 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động.

Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ước chỉ 952 tỉ đồng, đạt 2,2% trong tổng vốn được giao (hơn 43.400 tỉ đồng).

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - thuế giá trị gia tăng tăng từ mức 8% lên 10% kể từ ngày 1.1.2023 ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Tuy vậy, kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn có những điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,5%. Thành phố đã đón gần 7,6 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 7,2,1% so với cùng kỳ), hơn 1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 100%) với tổng doanh hơn 36.100 tỉ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thành phố ghi nhận 216 dự án FDI cấp mới, tăng 70% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 133 triệu USD, tăng 30%. Thu ngân sách đạt gần 125.000 tỉ đồng (đạt 26,57% dự toán).

Gỡ vướng bất động sản, thúc đẩy đầu tư công

TS Trần Du Lịch - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, với mức tăng trưởng này, đòi hỏi các quý II và III/2023 TPHCM phải có mức tăng trưởng vượt bậc mới có thể đạt được mức tăng trưởng 7,5% - 8% cho cả năm như mục tiêu đặt ra. Theo TS Trần Du Lịch, ngành bất động sản có tác động lan toả với tăng trưởng vì chiếm 3,68% GRDP thành phố. Do đó, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu cũng là một giải pháp để khơi thông nguồn lực vốn.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thành phố hiện có 156 dự án bất động sản đang vướng mắc, trong đó vướng về pháp lý chiếm đến 70%.

TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng năm nay, thành phố đặt trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò là "vốn mồi" cho nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích đầu tư.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đầu tư công của thành phố năm nay có một số dự án lớn như Vành đai 3 được giao hơn 20.000 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng hơn 18.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch đến tháng 6 công tác GPMB của dự án phải hoàn thành trên 80%.

 Thành phố đã nhóm lại các nhà đầu tư quản lý nhiều vốn cũng như các dự án lớn, những công trình trọng điểm. Từ đó, thành phố tập trung làm việc với chủ đầu tư, xây dựng lộ trình cho từng dự án để đảm bảo cuối năm giải ngân ít nhất trên 95%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn