MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn "Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" ghi nhận hơn 100 tham luận với nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm hiến kế với Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước

Kinh tế tư nhân cần được tham gia một số lĩnh vực Nhà nước vẫn độc quyền

Ngọc Anh LDO | 20/12/2019 13:42
Đó là mong muốn được bày tỏ của nhiều chuyên gia và chủ Tập đoàn kinh tế tư nhân tại Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” vừa được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức  tổ chức.
Với mong muốn các Tập đoàn kinh tế tư nhân phải có thêm động lực để thúc đẩy nền kinh tế đất nước, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn BRG (Tập đoàn kinh tế đa ngành) kiến nghị:

Kinh tế tư nhân cần được xem là một trụ cột của nền kinh tế không thể thiếu cho đất nước để gánh vác và góp sức mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế”

Theo bà Nga, hiện nay ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đang chiếm 40% GDP, còn tại các nước phát triển tỷ lệ này chiếm đến 85%, trở thành nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế quốc gia. Chủ tịch BRG đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần đảm bảo cạnh tranh công bằng, có những ưu đãi công bằng giữa các thành phần kinh tế. Tăng cường bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có đóng góp lớn tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Bên cạnh đó cần cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước giữ độc quyền như: quản lý khai thác hệ thống kết nối hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị hay chuyển tải hệ thống điện, cảng sân bay… Hiện nay chính phủ cũng đã giao một số trọng điểm cho tư nhân làm nhưng thực sự không phổ biến – bà Nga đề nghị.

"Thực tế là doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, thế mạnh, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, việc triển khai này có thể mang lại lợi ích cho đất nước, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút FDI và tận dụng nguồn vốn tư nhân", bà Nga nói.

Cùng ý kiến với bà Nguyễn Thị Nga, GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng hiện nhà nước vẫn đang độc quyền một số ngành như ngành điện (EVN), đường sắt, nhà ga, sân bay...

“Tôi ví dụ như EVN đang độc quyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện nhưng nhiều người cho rằng nếu không thị trường hóa điện thì điện gió, điện mặt trời đã xây ra rồi sẽ không có ai mua hết. Nếu để tư nhân làm truyền tải thì vừa tốt hơn mà nhà nước khỏi phải bỏ vốn ra. Sẽ đảm bảo không thiếu điện trong cả mùa không lẫn mùa mưa vì điện gió, điện mặt trời có quanh năm. Ở lĩnh vực hàng không, dù đã cho tư nhân tham gia một số phân khúc nhưng cho đến nay tình trạng nhà ga hỏng hay xây dựng sân bay Long Thành nhưng Tổng Công ty Cảng hàng không vẫn không thể làm vì không có vốn” – ông Mại phân tích.

Ông Mại cũng cho rằng, “Tuy không thể có một khuôn mẫu nào để có thể phân khúc giao tư nhân làm hay không giao làm trong lĩnh vực nhà nước độc quyền. Nhưng tùy theo ngành nghề thì nhà nước nên có chỉ đạo để khai thác vốn xã hội hóa để có thể đầu tư vừa có lợi hơn, tiết kiệm được chi phí hơn, nhanh hơn hiệu quả hơn phục vụ chất lượng cao hơn đối với người tiêu dùng đấy là ý nghĩa.”

Sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định:

"Đảng và Nhà nước xác định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn