MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh tế tư nhân đang là thành phần kinh tế đóng góp lớn nhất vào GDP của đất nước. Ảnh: PV

Kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GDP của VN

Đức Thành thực hiện LDO | 13/10/2018 15:19
Kinh tế tư nhân (KTTN) đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu các thành phần kinh tế của Việt Nam, sử dụng 83,6% tổng số lao động, đóng góp 37,99% GDP so với 28,63% của khu vực kinh tế nhà nước… Điều đó cho thấy những đóng góp của khối KTTN rất lớn, có nhiều tiềm năng và cần tiếp tục được tạo thêm điều kiện phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến sự phát triển của KTTN bị hạn chế. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trịnh Đức Chiều - Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết:

- Kinh tế tư nhân là thành phần chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GDP trong suốt giai đoạn 1995 - 2017, dao động từ 38 - 43%. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỉ trọng có xu hướng giảm, từ 43% (1995), 39% (2010) và 38% (2017). Nguyên nhân do sự sụt giảm của khu vực cơ sở kinh tế cá thể, nhưng ngược lại tỉ trọng của khu vực DN thuộc tư nhân tăng 7,4% (1995) lên 9% (2005), giảm còn 7,9% (2015) rồi tăng trở lại lên 8,64% (2017). Trong khi đó, kinh tế tập thể có sự giảm mạnh từ 10% (1995) xuống 8,6% (2000), 4% (2010) và 3,8% (2017).

KTTN đang dần trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế khi liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 40-43% GDP. Cùng với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước đang hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển mạnh hơn. Đặc biệt, vị thế của KTTN càng được nâng cao khi khối DNNN trong thời gian dài làm ăn trì trệ và kém hiệu quả…

Theo ông đánh giá, trong nội tại khối KTTN hiện nay có những biểu hiện nào cho thấy tính bất hợp lý và cần phải giải quyết?

- Lao động trong khu vực KTTN chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số lao động 83,6% năm 2017 (trước đó cao hơn: 87,3% năm 2000). Tuy nhiên, khu vực DN chỉ chiếm 18,7% của lao động khu vực tư nhân (2016). Mặc dù vậy cũng phải thấy rằng tỉ lệ này càng về sau càng được cải thiện nếu nhìn vào một số chỉ số như 8% năm 2005 và 3,2% năm 2000. Trong khi đó, khu vực kinh tế cá thể chiếm tỉ trọng  tương đương 18,1% (2018), tăng rõ rệt so với năm 2005 là 15,2%. Sự cải thiện này một phần là do DN thuộc tư nhân có sự gia tăng nhanh chóng từ 29,4% (2000) lên 61% (2010) và 61,2% (2016).

Mặc dù KTTN đã được đánh giá là động lực quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, nhưng rõ ràng vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề, ông đánh giá ra sao về “sức khỏe” của KTTN hiện nay?  

- Mặc dù đã có những đóng góp đáng kể như đã nói ở trên, tuy nhiên khu vực KTTN vẫn thể hiện những yếu kém cơ bản, ví dụ như chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Đóng góp vào GDP của khu vực KTTN gần như không có sự thay đổi trong suốt thời gian dài; Quy mô của KTTN vẫn còn hạn chế và chậm phát triển, chủ yếu vẫn là hộ kinh doanh cá thể và kinh tế hộ gia đình: Chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ; Hiệu quả sử dụng vốn, khả năng sinh lời của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thiếu ổn định và có chiều hướng giảm; Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ…

Có ý kiến cho rằng hiện vẫn còn nhiều rào cản đang hạn chế sức cạnh tranh của khối KTTN. Theo ông đó là những rào cản nào và cần phải làm gì để gỡ bỏ những hạn chế này?

- Rào cản đối với khối KTTN còn khá nhiều, đơn cử như còn có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận nguồn lực và trong nhận thức của hệ thống chính trị; Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao, thiếu sự an toàn, minh bạch; Mức độ không an toàn trong kinh doanh từ chính sách vẫn còn cao, đặc biệt là do sự thay đổi nhanh và khó tiên liệu của chính sách; Môi trường đầu tư, kinh doanh gặp nhiều rào cản như gia nhập thị trường, kết cấu hạ tầng, tiếp cận thông tin, nguồn lực; Quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ một cách hiệu quả; Chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; Môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh; Năng lực nội tại của doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân hạn chế…

Để khối KTTN phát triển, ngoài việc khắc phục các rào cản như trên, cần phải đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại DNNN thực chất tạo cơ hội phát triển cho KTTN được tham gia mua cổ phần nhà nước; Chính thức hóa cơ sở kinh doanh: Hỗ trợ chuyển đổi, áp dụng quản lý đầu vào - đầu ra khi tính thuế; Phát triển chính phủ điện tử: Cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng, giảm chi phí tài chính cũng như thời gian; kết nối và trao đổi thông tin giữa chính quyền - DN - người dân để hình thành cơ sở dữ liệu thông suốt; Triển khai hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, theo dự án; Thực hiện các biện pháp hậu kiểm một cách hiệu quả trên cơ sở nguồn thông tin, dữ liệu đầy đủ và quản lý rủi ro.

- Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết số 10 - NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định KTTN là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của KTTN đang nhanh hơn tốc độ chung của nền kinh tế, thúc đẩy mục tiêu tăng tỉ trọng đóng góp của khối KTTN vào nền kinh tế đạt khoảng 50% vào năm 2020, tăng thêm 5% vào năm 2025 và đến năm 2030 khoảng 60-65%. D.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn