MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp tư nhân là nền tảng để tăng trưởng GDP bền vững. Ảnh: P.N

Kinh tế tư nhân là động lực chính để tăng trưởng GDP bền vững

PHONG NGUYỄN LDO | 29/10/2020 06:39

Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: Đến năm 2030, là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo các chuyên gia, động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của đất nước trong các năm tiếp theo là nâng cao sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tạo nhiều dấu ấn nổi bật

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: Giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Theo TS Nguyễn Thị Luyến - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các DN tư nhân đã đóng góp quan trọng trong những giai đoạn có tính bất định như dịch bệnh COVID-19. Nhiều DN tư nhân đã chung tay cùng Chính phủ chống dịch hiệu quả.

Kinh tế tư nhân là trụ cột vững chắc, đóng góp 60%-70% vào GDP

Thống kê cho thấy, tính theo số DN đang hoạt động có kết quả kinh doanh bình quân trong giai đoạn 2016-2018, thì nước ta có 558.703 DN, trong đó DN tư nhân (DNTN) có 540.548 DN, chiếm 96,8%; FDI có 15.686 DN, chiếm 2,8%; và DN nhà nước (DNNN) có 2.469 DN, chiếm 0,4% tổng số DN hoạt động.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chi Lan cho rằng, bên cạnh DN thuộc khu vực chính thức, nước ta còn có trên 5,2 triệu đơn vị kinh doanh theo dạng hộ gia đình, được coi là khu vực phi chính thức, đông hơn 7 lần khu vực chính thức.

“Nhiều năm nay, dù môi trường kinh doanh ở nước ta liên tục được cải thiện, nhưng chỉ có một tỉ lệ không đáng kể các hộ kinh doanh gia đình muốn và có thể chuyển lên thành DN tư nhân chính thức. Toàn bộ khu vực phi chính thức đều thuộc sở hữu tư và là một bộ phận của khu vực kinh tế tư nhân hoặc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở nước ta” - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Như vậy, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các chuyên gia tư vấn đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong đó, việc xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-70%.

Theo TS Nguyễn Thị Luyến (CIEM), để phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt DN tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển. Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.

“Việc cổ phần hóa, thoái vốn sẽ giúp tạo không gian cho DN tư nhân khai thác, sử dụng các nguồn lực thoái lui từ khu vực kinh tế nhà nước (ngành, lĩnh vực kinh doanh, vốn, tài nguyên, nhân lực, thị trường, v.v...) để thế chỗ cho các DN Nhà nước” - TS Nguyễn Thị Luyến nói.

TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng CIEM- Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, cũng cho rằng: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;

Chiến lược cũng nhấn mạnh: Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Các mục tiêu cụ thể

- Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,7%.

- Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ đạt tối thiểu 68 tuổi.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%-40%. Lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 20% trong tổng lao động nền kinh tế.

- Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%-43%. Tỉ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính. 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

- Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3%-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. So với kịch bản phát triển thông thường (kịch bản không có hành động chủ đích để giảm nhẹ phát thải).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn