MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước để hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: Vũ Long

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng lạc quan trong năm 2021

Vũ Long LDO | 06/05/2021 19:32

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng lạc quan trong năm 2021, vượt lên đại dịch COVID-19.

"Điểm sáng" của kinh tế Việt Nam

Theo Bộ KHĐT, các chỉ số quan trọng của kinh tế - xã hội cho thấy nền kinh tế đất nước đang phục hồi tích cực và có xu hướng phát triển lạc quan. Trong 4 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp - Học viện Tài chính), trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 340,3 nghìn lao động, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, tăng 41% về vốn đăng ký và tăng 7,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất đáng lạc quan, cho thấy các doanh nghiệp đang tự tin với khả năng phục hồi và tăng trưởng của nên kinh tế.

PGS TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cũng nhấn mạnh: Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu đúng hướng trong 4 tháng đầu. Điều đó cho thấy các chính sách và biện pháp điều hành hiệu quả của chính phủ cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp, đẩy xuất nhập khẩu tăng nhanh; đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lạc quan...

"Các ngành khác đang tăng, nhất là ngành liên quan đến thương mại số. Với đà phục hồi đó, nền kinh tế những tháng tiếp theo sẽ vận hành hiệu quả” – PGS TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định.

Cải cách thể chế, tạo đà cho tăng trưởng

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, về tổng thể nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi, cần những hỗ trợ tích cực về chính sách, cơ chế của Chính phủ để đẩy nhanh và mạnh tốc độ phục hồi, tăng trưởng.

Công nghiệp chế biến chế tạo là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Ảnh: Vũ Long

Theo TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mặc dù Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, nhưng cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, trong đó cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng động lực cải cách thể chế kinh tế.

Đại dịch COVID-19 có thể kéo dài trong vài năm tới, các chính sách đi kèm cần được cải cách để phù hợp trong tình hình mới. Bà Trần Thị Hồng Minh đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 sẽ đạt được những đột phá nếu đạt được chất lượng về cải cách thể chế, nâng cao năng suất lao động, tạo đà cho tăng trưởng đạt chất lượng, bền vững.

Bà Minh tin rằng, cùng với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021. Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng. Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5%; Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6%…

Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ tăng trưởng xuất nhập khẩu, đặc biệt là tăng trưởng xuất nhập khẩu với 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam là đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới, tạo đà cho xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn