MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC. Ảnh HSBC

Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi trong quý IV

Mi Vân LDO | 07/07/2023 09:12

“GDP quý II của Việt Nam tăng cao hơn dự kiến, đạt 4,1% so với cùng kì năm trước, những thách thức trên diện rộng vẫn kéo dài. Tôi kì vọng GDP Việt Nam trong quý IV sẽ chứng kiến sự phục hồi đáng kể” - trao đổi với báo chí, bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC - nhận định.

Thương mại vẫn là một trong những động lực chính của Việt Nam

Lí giải cho nhận định của mình, bà Yun Liu cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục sụt giảm ở mức 2 con số. Với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Hoa Kỳ đến Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng giảm cho thấy suy thoái thương mại có thể kéo dài, kéo theo sự suy yếu trong suốt quý III.

Trong khi đó, thương mại, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đã dần suy yếu kể từ quý IV năm ngoái. Sự suy giảm sản xuất phản ánh rõ ràng những thách thức thương mại ngày càng gia tăng mà Việt Nam phải đối mặt.

“Tin tốt là thương mại không có dấu hiệu suy giảm thêm. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi chưa thấy dấu hiệu rõ rệt của phục hồi” - bà Yun Liu cho biết.

Ngành dịch vụ giữ vững động lực

Ngành dịch vụ tiếp tục là một nền tảng vững chắc để bù đắp một phần những khó khăn trong thương mại. Việt Nam có thể dễ dàng đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch. Các chuyên gia đánh giá ngành dịch vụ phục hồi một phần là nhờ vào nỗ lực tăng tần suất chuyến bay và đặc biệt là việc nới lỏng thị thực du lịch được công bố gần đây.

Trong bối cảnh thách thức gia tăng, Chính phủ và các Bộ ngành liên tiếp đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp. Chính phủ công bố các biện pháp tài khóa, bao gồm hoãn thuế và giảm thuế VAT, gần bằng các mức hỗ trợ trong đại dịch.

Bình luận về động thái này, bà Yun Liu cho biết: “Lạm phát hạ nhiệt, tỉ giá VND tương đối ổn định đã hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát thì đồng VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang “xói mòn”. Chúng tôi kì vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng. Chúng tôi kì vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kì đại dịch”.

Lạm phát toàn phần đã được kiểm soát ở mức 2,0% so với cùng kì trong tháng 6.

Nguyên nhân chính là nhờ cắt giảm lạm phát trong lĩnh vực năng lượng đã kéo lạm phát toàn phần giảm mạnh so với mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

Việc tăng giá điện đẩy đà lạm phát lên cao, phản ánh qua lạm phát với độ trễ một tháng, mức độ tăng dưới 3% không gây tác động lớn. Đáng nói hơn, lạm phát cơ bản hạ nhiệt xuống 4,3% so với cùng kì.

Chuyên gia dự báo rủi ro tăng giá vẫn kéo dài. Thứ nhất, đà lạm phát thực phẩm đã tăng trong tháng 6, phản ánh qua giá thịt lợn tăng cao. Tuy nhiên, áp lực về giá đến từ nhu cầu cao hơn do hoạt động du lịch phục hồi, chứ không phải vì gián đoạn nguồn cung, giống các đợt dịch cúm lợn châu Phi trước đây. Ngoài ra, tác động của El Nino cho thấy cần phải theo dõi sản xuất nông nghiệp một cách chặt chẽ, đặc biệt là với các loại lương thực thiết yếu như gạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn