MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng). Ảnh: N.D

Kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2022

Phong Nguyễn LDO | 29/01/2022 16:44

Xuất nhập khẩu, đầu tư FDI, doanh thu bán lẻ, du lịch... được dự báo là nhóm động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP 2022 đạt 7-8%

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đánh giá: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là tương đối thận trọng.

“Năm 2022 nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trên 7%, thậm chí có thể quanh mức 8% do chỉ phải so với nền thấp của năm 2021 và đặc biệt là các ngành như xuất khẩu (XK), đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ là động lực chính. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và cơ chế hộ chiếu vaccine được áp dụng sớm thì các ngành hàng không, du lịch, khách sạn sẽ có cơ hội tăng trưởng cao” -TS Nguyễn Đức Độ nhận định.

Có thể nói rằng, xuất nhập khẩu (XNK) đã phát huy vai trò, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 với tổng kim ngạch XNK đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay: 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó, XK hàng hoá đạt kim ngạch 336,31 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020. Từ những kết quả nêu trên, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh - đánh giá, kim ngạch XK tăng trưởng tốt đã tác động tích cực đến cán cân thương mại, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán. 

Ở góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương nhận định,  năm 2022 có thể là năm bản lề cho kinh tế Việt Nam bứt phá, bắt đầu một chu kỳ mới tăng trưởng cao trên 7% được một thời gian dài ít nhất 10 năm để có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

“Bối cảnh kinh tế toàn cầu sau cơn dịch COVID-19 hoàn toàn cho phép chúng ta kỳ vọng như vậy nếu chúng ta có thể giải phóng cho doanh nghiệp (DN) trong nước ra khỏi những cái khó chính sách tồn đọng để họ có lòng tin mạnh dạn đầu tư lâu dài hơn vào các lĩnh vực có giá trị xã hội cao hơn” - chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương phân tích.

Trong lĩnh vực đầu tư, dựa theo đánh giá của báo cáo do JETRO và các bên khác thực hiện, Kinh tế trưởng VinaCapital - ông Michael Kokalari tin tưởng Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư FDI bởi chi phí thuê nhân công nhà máy ở Việt Nam chỉ thấp bằng 1/3 ở Trung Quốc, nhưng chất lượng của nguồn lực lao động này thì tương đương; vị trí địa lý của Việt Nam gần với những chuỗi cung ứng ở Châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao; chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID của Việt Nam được triển khai nhanh, rộng… Đây là những yếu tố để Việt Nam tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI trong năm 2022.

Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital cũng dự báo, GDP Việt Nam sẽ từ mức 2,9% năm 2021 tăng lên mức 7-7,5% vào năm 2022. “Chúng tôi tin rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm nay. Tăng trưởng sẽ được hỗ trợ bởi sức phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng nội địa và các hoạt động xây dựng của Việt Nam, cũng như bởi sự tăng trở lại của lượng khách du lịch vào một số thời điểm ở những tháng sắp tới” - ông Michael Kokalari nhấn mạnh, đồng thời thông tin thêm: Sau mức giảm 6,2% trong năm 2021, dự đoán tổng mức bán lẻ (loại trừ yếu tố giá) ở Việt Nam sẽ tăng mạnh đạt đến 5% trong 2022. Tăng trưởng của các hoạt động xây dựng ở Việt Nam sẽ tăng từ 0,6% trong năm 2021 đến 8% trong năm 2022.

Quan tâm tới các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, các cơ quan xây dựng chính sách cần chú ý tới các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là những đối tượng không thể phục hồi, phát triển nếu không nhận được hỗ trợ về vốn và tín dụng.

“Nút thắt” là, những đối tượng này thường không thể đáp ứng các điều kiện tín dụng truyền thống, không có tài sản bảo đảm hoặc đang có khoản vay chưa thanh toán. Nếu đặt ra các điều kiện không vi phạm tiêu chuẩn cho vay thì nhóm này nhiều khả năng sẽ bị loại. 

"Đối tượng các hộ kinh doanh và DNNVV là cột sống của bất cứ một nền kinh tế nào, nhưng các đối tượng này thường bị "thất thế" vì khó tiếp cận tín dụng vì quy mô nhỏ và không có khả năng "lobby" chính sách… Một số quốc gia trong đó có Đài Loan giải quyết vấn đề này rất tốt có thể là mô hình đáng học tập" - ông Chương nói.

Thực tế là trong 2 năm qua, dịch bệnh do COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các hộ cá thể, DNNVV. Thống kê cho thấy, trong năm 2021 có hơn 100.000 DN đã phải đóng cửa, giải thể. Bà Nguyễn Thị Bích Hường - quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông - Hiệp hội DNNVV Việt Nam - chia sẻ: DNNVV vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi tới đây, đặc biệt DN rất cần tháo gỡ những khó khăn trong các vấn đề về thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ…

Đồng thời kiến nghị: "Mỗi ngân hàng hãy xây dựng 1 chính sách đặc biệt chăm sóc cho các DN đang là khách hàng của mình. Đó là những DN có phát sinh doanh thu trong 2 năm qua, DN không có nợ xấu hoặc các DN ở các lĩnh vực ngành nghề đang có cơ hội phục hồi tốt...". 

* TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam: Sự phục hồi của một số bạn hàng lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy XK tăng trưởng trong năm 2022.

* Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Muốn có sự tăng trưởng đột phá cần sự thay đổi, tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các DN, áp dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế số. Đây chính là yếu tố mang lại sự thay đổi nhiều nhất đối với chất lượng DN. L.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn