MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2019-2025 của tỉnh Kon Tum, một trong những ngành trọng điểm là công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - da giày.

Kon Tum kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp

H.A LDO | 12/11/2022 11:30
Xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngày 17.5.2017, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch 1281/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg (ngày 3.4.2017) của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Ngày 4.12.2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 3400/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019-2025.

Theo Chinhphu.vn, mục tiêu tỉnh ta đề ra là phấn đấu đến năm 2020 hình thành các cơ sở công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025 đáp ứng khoảng 10% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm gồm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may-da giày; linh kiện phụ tùng kim loại, phụ tùng nhựa-cao su và linh kiện phụ tùng điện-điện tử; sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, năm 2020, UBND tỉnh có Kế hoạch số 4525/KH-UBND (ngày 7.12.2020) về “định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để đưa ngành công nghiệp phát triển, nâng cao giá trị, tỉ trọng trong cơ cấu kinh tế, trong đó có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục kêu gọi, vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đăng ký thương hiệu, tìm kiếm phát triển thị trường; ưu tiên hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong nước và một số tỉnh Nam Lào.

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

Với những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum, hy vọng thời gian tới, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ có sự chuyển biến, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn