MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy LDO | 20/01/2023 11:43
Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá. 

Ngâm mình hái rau

Đến cánh đồng rau cần thôn Đức Long dịp này lúc nào cũng thấy cảnh làm việc rất khẩn trương và tấp nập. Màu xanh mỡ màng của những ruộng rau đến kỳ thu hoạch, tiếng trao đổi nói cười của người lao động tạo nên một không gian đồng quê bình yên và sung túc.

Người dân ngâm mình dưới ruộng hàng tiếng đồng hồ để thu hoạch rau cần phục vụ thị trường ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thúy

Bà Phạm Thị Yến (52 tuổi) chia sẻ, trồng rau cần là nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở thôn Đức Long. Một vụ rau cần thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng 3 năm sau, năng suất từ 1,3 - 1,5 tấn rau cần/sào (360 m2). Giá bán rau cần ở mỗi thời điểm khác nhau, trung bình từ 5.000 – 15.000 đồng/kg.

“Nhổ rau cần là công việc nặng nhất, chủ yếu dành cho đàn ông. Người nhổ rau cần phải ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới các ô ruộng nước sâu gần 1m, dùng tay giật mạnh nhổ rau lên mang tới cho người rửa và buộc”, bà Yến nói. 

Người dân duy trì trồng giống rau cần ta, rau xanh, có mùi thơm nồng, vị ngọt đậm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo bà Yến, trồng rau cần cần chú trọng việc “theo nước”, tức là rau cần lớn đến đâu thì cần cấp nước đủ đến đó. Vì vậy, các hộ đều đào giếng khoan tại ruộng để thuận lợi hơn cho việc chăm sóc.

Tương tự, tại ruộng rau của ông Phạm Văn Long (55 tuổi), từ sáng sớm, một nhóm chừng vài chục người cả nam lẫn nữ đang ngâm mình dưới nước để nhổ rau bất chấp thời tiết lạnh.

“Rau cần được giá và bán chạy nhất là ngày 30 và ngày mùng 2 Tết. Những ngày này, con cháu được nghỉ Tết nên cũng tập trung hỗ trợ ông bà, bố mẹ thu hoạch”, ông Long nói.

Rau cần chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối ở Thái Bình, Nam Định. Ảnh: Nguyễn Thúy
Khâu rửa, bó rau được làm tỉ mỉ. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo ông Long, người trồng phải sử dụng tro bếp làm phân bón thì rau cần mới xanh, có mùi thơm nồng, vị ngọt đậm. Rau cần chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối ở Thái Bình, Nam Định. 

Tết dưới ao

Về làng rau cần Đức Long, câu chuyện cả làng “đón Tết” dưới ao luôn làm các vị khách ngạc nhiên, ấn tượng.

Người dân dùng bạt để che rau cần, tránh bị héo.

Theo những người dân trong làng, rau cần thu hoạch từ ngày 27, 28 tháng Chạp đến ngày mùng 5, mùng 6 Tết. Vì thế, nhà nào trong thôn đón giao thừa xong là nhanh chóng xuống ao nhổ, rửa, bó rau cần. 

"Ngày Tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá cũng cao gấp 1,5 - 2 lần so với thông thường. Vì vậy, mọi khâu chuẩn bị cho ngày Tết được tổ chức đơn giản, khẩn trương để dành thời gian thu hoạch, bán rau cần", ông Phạm Xuân Dung – người trồng rau cần tại thôn Đức Long chia sẻ.

Cũng theo ông Long, việc thăm hỏi, chúc Tết, người dân sẽ tranh thủ đi trước hoặc đi sau, tránh thời gian cao điểm này. Những hộ neo người mà ao rau cần lớn thì có khi người đến chúc Tết phải ra tận ao mới gặp chủ nhà.

Mỗi bó rau cần sẽ có giá từ 5.000 - 10.000 đồng, tùy thời điểm. Ảnh: Nguyễn Thúy
 Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá. Ảnh: Nguyễn Thúy

Thậm chí, có hộ còn chủ động kê bộ bàn ghế nhỏ, bày sẵn bánh kẹo, hoa quả ở một góc bờ ao, khách đến chơi có thể đón tiếp ngay ở bờ ao, không mất thời gian di chuyển mà vẫn có dịp trò chuyện, chúc Tết.

“Rau cần thu hoạch ngày nào, ăn ngày đó mới ngon. Ngày Tết, chúng tôi muốn dành những mớ rau ngon nhất phục vụ nhân dân vì vậy có vất vả, thiệt thòi một chút cũng không sao”, ông Dung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn