MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số là xu thế tất yếu. Ảnh: TL

Kỷ niệm 70 năm ngành ngân hàng (6.5.1951 - 6.5.2021): Ngân hàng Nhà nước cùng nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Hương Nguyễn LDO | 01/05/2021 19:30

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy tài chính toàn diện. Những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong thời gian qua để thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng tiền mặt là rất đáng ghi nhận.

Đẩy mạnh Thanh toán không dùng tiền mặt

“Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của thời đại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng được coi là một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính liên tục, thông suốt cho hoạt động giao dịch, thúc đẩy kinh doanh giữa các chủ thể trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết.

Để xây dựng chính quyền đô thị thông minh, Chính phủ điện tử thì việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế là yếu tố quan trọng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 về cơ bản đã đạt được các bước tiến lớn. Đến nay có 78 tổ chức triển khai thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động và 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Năm 2019, giao dịch qua Internet tăng 64% về số giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch, qua kênh di động tăng tương ứng 198% và 210% so với năm 2018.

Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục nỗ lực để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ thanh toán điện tử. không ngừng được mở rộng, đầu tư và nâng cấp. Đáng chú ý, việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công ngày càng được chú trọng, tăng cường.

TS Nguyễn Thị Thu Đông - Trường Cao đẳng Kinh tế và Kế hoạch Đà Nẵng đánh giá trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển, đẩy mạnh thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công tại Việt Nam. Ngân hàng nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế chính sách chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng thương mại đưa ra các sản phẩm phù hợp để liên kết với các cơ quan như Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện... trong việc thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết: “Đến nay có tới 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”.

Cần thay đổi thói quen tiêu tiền mặt của người dân

Nói về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho biết lợi ích lớn nhất là sự thuận tiện, tiện lợi của cá nhân và tổ chức. Hơn nữa, việc thanh toán theo cách này giúp tăng tính minh bạch và khả năng thu thuế hiệu quả, phòng chống tham nhũng. Đặc biệt tại các quốc gia có khu vực phi chính thức lớn. Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm được chi phí in và quản lý tiền mặt. Các ngân hàng giảm chi phí giao dịch. Thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp người dân ở vùng sâu vùng xa cũng tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.

Nói về những khó khăn trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng thách thức lớn nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài ra, vấn đề bảo mật, an toàn vẫn là mối lo ngại của không ít khách hàng. Thêm vào đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam vẫn còn lớn (ước tính khoảng 15-20% GDP). Trong khi đó, hành lang pháp lý cho các phương thức hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa thực sự đầy đủ, kể cả những quy định mang tính khuyến khích thử nghiệm. Tính đồng bộ của các nền tảng công nghệ, hệ sinh thái, khả năng công nhận lẫn nhau (gồm cả kết quả e-KYC…).

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Thị Thu Đông, thách thức trong việc xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật quản lý thanh toán điện tử đối với dịch vụ thông qua ngân hàng. Chính sách quản lý chưa theo kịp sự phát triển của thanh toán điện tử qua ngân hàng như cấp phép, hành lang pháp lý quản lý, chính sách quản trị, quy trình sản phẩm các ngân hàng thương mại sử phát triển mạnh, nhanh chóng của công nghệ vào quá trình hội nhập đặt ra những thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật quản lý thanh tra kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết “So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị); giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỉ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn