MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các công ty chứng khoán đang đưa ra các dự báo khả quan về sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Ảnh: Lê Toàn

Kỳ vọng các chỉ số chứng khoán sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2024

Gia Miêu LDO | 04/01/2024 16:55

Kênh chứng khoán vẫn được kỳ vọng là kênh đầu tư hưởng lợi từ yếu tố chi phí cơ hội của dòng tiền, khi lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng ngày càng kém hấp dẫn.

Trong năm 2023, Chính phủ đã cho thấy sự quyết tâm cao độ trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán và đây là tín hiệu tốt để kỳ vọng rằng, các hệ thống, cơ chế giao dịch chứng khoán, đáp ứng các tiêu chí cho việc nâng hạng, sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2024.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là chất xúc tác đáng chú ý trong năm 2024.

Bên cạnh đó, với kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2024, đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp một cách ổn định, VDSC kỳ vọng, thanh khoản trung bình phiên phần lớn trong khoảng 15.000 - 20.000 tỉ đồng và lên tới 25.000 tỉ đồng trong giai đoạn thị trường thuận lợi.

Trong khi đó, với báo cáo vừa công bố, đối với triển vọng trong năm 2024, Công ty Chứng khoán KBSV cho biết, thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn với một số yếu tố chính định hình.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quay trở lại mốc quanh 6% nhờ thị trường bất động sản khởi sắc hơn; chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính chất hỗ trợ giúp lãi suất duy trì ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh và các chính sách miễn giảm thuế tiếp tục được duy trì. Ngoài ra, các động lực tăng trưởng truyền thống khác như vốn đầu tư nước ngoài FDI, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi...

Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và đầu tư công được đẩy mạnh. Yếu tố này không chỉ hỗ trợ thị trường từ góc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn tác động trực tiếp giúp dòng tiền vào thị trường chứng khoán được cải thiện, định giá cổ phiếu tăng, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ yếu tố này.

Thứ ba, Fed xoay chiều chính sách trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt tích cực và có thể tránh được 1 cuộc suy thoái. KBSV kỳ vọng, đợt hạ lãi suất sớm nhất sẽ diễn ra vào ngay cuối quý I/2024. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam.

Tuy nhiên, các rủi ro lớn nhất có thể khiến nhóm phân tích đánh giá lại dự báo bao gồm các rủi ro địa chính trị khiến giá hàng hóa, giá dầu, giá cước vận tải... tăng phi mã gây áp lực lên lạm phát khiến các ngân hàng trung ương không thể nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong nước, rủi ro đáng chú ý đến từ đổ vỡ ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi khối lượng đáo hạn cao kỷ lục trong năm 2024.

Từ đó, nhóm phân tích của KBSV cho rằng, xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024 với vùng giá mục tiêu ở quanh 1.330 điểm, mức định giá P/E thị trường (hiện đang 14,9) sẽ cải thiện lên mức 15,3 thời điểm cuối 2024, tương ứng bình quân 2 năm giai đoạn 2022 - 2023.

Thêm vào đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi mức tăng 16,4% của lợi nhuận (EPS) các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, bởi mức nền so sánh thấp của năm 2023 và kinh tế vĩ mô quay trở lại xu hướng hồi phục.

Dẫn dắt tăng trưởng EPS chung toàn thị trường năm 2024 sẽ gồm nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu (tăng 63%); nguyên vật liệu (tăng 35%); công nghệ thông tin (tăng 23%); tài chính (20%).

Ở chiều ngược lại, bất động sản, dịch vụ truyền thông, tiện ích và y tế là các ngành được dự báo có tăng trưởng ảm đạm trong năm 2024, tuy nhiên không đóng góp quá tiêu cực vào mức tăng trưởng chung.

Trong đó, nhóm ngành bất động sản dự kiến sẽ chưa thể quay lại mức hồi phục sớm khi doanh số bán hàng và các khó khăn liên quan đến dòng tiền, vay nợ dự kiến sẽ chưa thể cải thiện đáng kể trong năm tới, các chuyên gia của KBSV nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn