MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn khả quan. Ảnh:XINHUA

Kỳ vọng châu Á tăng trưởng mạnh, nguy cơ Mỹ suy thoái

QUÝ AN LDO | 06/05/2023 21:21

Bất chấp bối cảnh ảm đạm của 1 năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới, châu Á-Thái Bình Dương (APAC) vẫn là một khu vực năng động.

Tăng trưởng ở APAC được dự đoán sẽ tăng trong năm nay lên 4,6%, tăng từ mức 3,8% vào năm 2022. Con số này phản ánh mức tăng 0,3 điểm phần trăm so với các dự đoán tháng 10.2022 của IMF.

Động lực lớn nhất cho sự điều hành dự báo của châu Á trong năm nay là các nền kinh tế mới nổi trong khu vực đang trên đà tăng trưởng vững chắc, dù một vài nước có tốc độ thấp hơn chút đỉnh so với năm ngoái. Tại các nền kinh tế tiên tiến của châu Á, tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ chậm lại ở mức 1,6%. Con số này thấp hơn khoảng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây.

Những điều chỉnh dự báo của IMF cho thấy, các nền kinh tế APAC dự kiến sẽ đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 - một tỉ trọng lớn hơn đáng kể trong vài năm qua.

Một yếu tố đang đè nặng lên triển vọng ngắn hạn của khu vực là sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài, với Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ có mức tăng trưởng nhập khẩu rất yếu vào năm 2023 và 2024. Theo dữ liệu gần đây, điều này đang gây áp lực lên ngành xuất nhập khẩu hàng của châu Á, thể hiện ở các đơn đặt hàng chất bán dẫn sang Mỹ và EU đã chậm lại đáng kể.

Lạm phát toàn phần đã giảm bớt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế. Do rủi ro lạm phát vẫn còn đáng kể, chính sách tiền tệ ở châu Á sẽ cần phải duy trì chặt chẽ cho đến khi lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu một cách lâu dài.

Mặt khác, chính sách tiền tệ của Nhật Bản vẫn còn bỏ ngỏ trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ nước này đã tăng đáng kể từ tháng 10. Những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên có thể có tác động đến toàn cầu thông qua các nhà đầu tư nước này - những người có vị thế đầu tư lớn vào các công cụ nợ ở nước ngoài. Việc tái cân bằng danh mục đầu tư của những nhà đầu tư này có thể kích hoạt sự gia tăng lợi suất toàn cầu, làm dòng tiền chảy ra khỏi danh mục đầu tư ở một số quốc gia.

Theo dự báo của Bank of America (Bofa), nền kinh tế Mỹ và toàn cầu là tương đối tốt. Một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ là một “giá nhỏ phải trả” cho tình hình 2 năm qua. Ở cấp độ toàn cầu, nhiều nền kinh tế có thể đang đứng bên bờ vực suy thoái, nhưng điều này được bù đắp bằng sự phục hồi mở cửa trở lại của một số nền kinh tế lớn. Như vậy, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ chậm lại từ 3,4% năm ngoái xuống còn 2,7% trong năm nay. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra biến cố vào mùa hè này vẫn rất cao. Khủng hoảng trần nợ của Mỹ được đánh giá sẽ gây ra cú sốc. Nhà kinh tế Stephen Juneau (Bofa) gần đây đã cập nhật dự báo về thâm hụt tài khóa 2023 từ 3,8% GDP lên 5,1%. Đó là tin xấu trong khi kho bạc hết tiền mặt và cắt giảm chi tiêu.

Sau biến cố ngành ngân hàng hồi tháng 3, các tiêu chuẩn cho vay tại Mỹ có khả năng bị thắt chặt hơn nữa. Các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là bất động sản thương mại, doanh nghiệp nhỏ và nông nghiệp. Thị trường văn phòng dường như đặc biệt gặp rủi ro. Vẫn còn quá sớm để đánh giá quy mô của cú sốc, nhưng nguy cơ sẽ tăng dần trong vài tháng tới.             


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn