MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ vọng chứng khoán cân bằng trong tháng 11, cơ hội để gia tăng tích luỹ

Đức Mạnh LDO | 07/11/2022 12:46

Công ty chứng khoán Mirea Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11. Về vĩ mô, chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7,5 - 8% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở và trên 8% trong trường hợp tốt nhất.

Kỳ vọng thị trường tìm điểm cân bằng trong tháng 11

Thị trường chứng khoán đối mặt với đợt bán tháo lớn trong tháng 10 vừa qua. Chỉ số VN-Index xuống mức thấp nhất kể từ 2021 là 962,45 điểm, trước khi đóng cửa ở mức 1.027,94 điểm, giảm 31,4% tính từ đầu năm. Bên cạnh các rủi ro liên quan đến suy thoái kinh tế ở một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, áp lực từ việc FED tăng lãi suất, đồng USD mạnh, lạm phát trong nước gia tăng, thị trường trong tháng 10 còn thể hiện thêm những lo ngại xoay quanh những vụ vi phạm trên thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nói riêng.

Hiện P/E của VN-Index đang quanh mức 10 - 10,7 lần, tương đương ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi 2 độ lệch chuẩn. Giới chuyên gia cho rằng là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn.

Công ty chứng khoán Mirea Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 dựa trên 4 cơ sở: Sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới; Tâm lý nhà đầu tư cải thiện; Kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12; Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp thực hiện zero COVID, cũng như được thúc đẩy bởi chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kỳ vọng tăng trưởng EPS của thị trường chứng khoán so với cùng kỳ. Ảnh: Mirea Asset Research 

Dự báo GDP sẽ vượt 8% trong kịch bản tốt nhất

Về vĩ mô, Mirea Asset dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7,5 - 8% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở và trên 8% trong trường hợp tốt nhất.

4 động lực tăng trưởng chính gồm: tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng FDI giải ngân ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc và tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tích cực.

Lạm phát vẫn sẽ được kiểm soát quanh mức 4,5%. Điểm màu đỏ trên đồ thị xu hướng từ 2021 là mức thấp nhất, điểm màu xanh là mức cao nhất. Ảnh: Mirea Asset Research 

Chuyên gia từ Mirea Asset nhấn mạnh những yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới gồm:

Thứ nhất, tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý 4 năm nay, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại so với quý 3 trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu, cũng như bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn gần đây trên thị trường tài chính và bất động sản.

Thứ hai, tốc độ giải ngân FDI có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỉ giá USD/VND tăng lên. Quan sát từ Mirea Asset, giải ngân FDI tháng 10 tăng chậm lại đạt 2 tỉ USD, tương đương mức tăng 8% so với cùng kỳ.

Thứ ba, xuất khẩu gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực. Xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Theo quan điểm của Mirea Asset, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn