MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lo ngại bất ổn thị trường xăng dầu có thể tái diễn trong năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Kỳ vọng về những thay đổi trong chính sách bán lẻ xăng dầu

Anh Tuấn LDO | 20/01/2023 15:28

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Trong đó, mấu chốt là cần phải thay đổi những chính sách bán lẻ xăng dầu.

Nhiều biến số khó dự đoán về thị trường xăng dầu năm 2023

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, năm 2023 sẽ có rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu thô.

Đầu tiên là triển vọng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất trong năm 2022 và sẽ cần có các chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2023 để nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái. Kinh tế tăng trưởng hay suy thoái sẽ ảnh hưởng lớn tới nhu cầu sử dụng dầu nói riêng và năng lượng nói chung, qua đó tác động mạnh tới giá dầu.

Thứ hai là tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19. Các dự báo đều đang khá tích cực, khi hoạt động sản xuất kinh tế của Trung Quốc hồi phục, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng xăng dầu sẽ tăng lên.

Thứ ba là căng thẳng giữa Nga - Ukraine sẽ kéo dài đến bao giờ, chưa ai có thể nói trước. Điều này sẽ quyết định các chính sách xuất khẩu dầu của Nga và tác động lên nhu cầu của thị trường EU, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới.

"Nhìn chung, giá dầu sẽ biến động, nhưng MXV đang dự báo khoảng giá sẽ là 60 – 100 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm. Với mức giá thế giới như vậy, giá xăng dầu trong nước sẽ tương đối ổn định. Giá sẽ không quá thấp, nhưng sự ổn định sẽ mang đến các tín hiệu tích cực và khả quan hơn cho nền kinh tế trong năm tới", ông Dương Đức Quang cho hay.

Thị trường xăng dầu 2023 được dự đoán còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ, nguồn Cường Ngô 

Nêu quan điểm khác, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết thị trường xăng dầu năm 2023 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi, ngoài sự cố của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, năm 2023, thị trường xăng dầu sẽ phụ thuộc lớn vào số lượng dầu thô nhập khẩu. Trong khi thị trường thế giới luôn tiềm ẩn bất ổn, rủi ro khó lường do xung đột địa chính trị, dịch bệnh.

Trong nước, việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 2 tháng, sản lượng sụt giảm là rất khó khăn. Bài học kinh nghiệm hồi tháng 3.2021 cho thấy, việc một trong hai nhà máy lọc dầu gặp sự cố ngừng sản xuất, dẫn tới nguồn cung căng thẳng, nhập khẩu không kịp bù đắp sẽ tác động tiêu cực tới thị trường và gây đứt nguồn cung trong nước.

Đây là những cảnh báo để cơ quan chức năng cần có kịch bản ứng phó sát với thực tế điều hành xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như cả năm 2023.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Bắc, một trong những vấn đề có thể ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong năm 2023 đó là chiết khấu. Hiện nay, theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc chiết khấu 0 đồng hoặc âm không còn xảy ra. Tuy nhiên, mức chiết khấu hiện vẫn thấp, dao động từ 400-600 đồng/lít. 

Với mức chiết khấu này, doanh nghiệp bán lẻ chỉ vừa đủ trang trải chi phí, thậm chí không có lãi vì trừ các khoản chi phí phát sinh. Điều này, về lâu dài sẽ triệt tiêu động lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể nếu tình hình xăng dầu thế giới biến động phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ "trở tay không kịp", từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung. 

Trao đổi với Lao Động, TS. Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho Lao Động biết, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và định mức chiết khấu cho mỗi khâu: doanh nghiệp đầu mối bao nhiêu?

"Chiết khấu là hình thức giảm giá một phần trong giá bán lẻ xăng dầu ở một mức độ nhất định, đảm bảo chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ và có lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư.

Nên đây được hiểu như lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ và không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố (3,5% là điểm hòa vốn; 3,5% còn lại là lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư phát triển). Bởi đây là khâu quan trọng, trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như phản ánh toàn bộ bộ mặt của thị trường.

Quy định như trên để tránh tình trạng hiện nay nhà cung cấp cho chiết khấu 0 đồng hoặc cho 30-40 đồng, thậm chí âm 200-300 đồng là chuyện từng xảy ra trong thời gian qua, nên doanh nghiệp bán lẻ không thể hoạt động được", ông nói.

Cần quản lý 17.000 cửa hàng xăng dầu chặt chẽ hơn

Cũng theo TS Giang Chấn Tây, hiện nay có đến 17.000 cửa hàng bán lẻ nên cần quản lý chặt chẽ hơn. Cần quy định chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ và thương nhân phân phối, để các cửa hàng hoạt động được ổn định và xem đây là công cụ để quản lý, giúp cho doanh nghiệp bán lẻ không phải đóng cửa gây hỗn loạn thị trường và gây khó cho người tiêu dùng. 

Ông cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý, nhất thiết phải quản lý hết hệ thống, chứ không thể chỉ quản lý mỗi doanh nghiệp đầu mối như đã qua.

"Thời gian qua, liên bộ đã gần như bỏ sót khâu phân phối bán lẻ, nên doanh nghiệp ở khâu này luôn hoạt động bấp bênh dẫn tới bất ổn thị trường xăng dầu. 

Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần phải tạo kênh thông tin để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, để từ đó có biện pháp tháo gỡ những khó khăn", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn