MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các dự án đường cao tốc với vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mức tăng trưởng quý II/2021. Ảnh: M.T

Kỳ vọng xuất khẩu, đầu tư công “thúc” GDP tăng trong quý II/2021

Cao Nguyên – Hương Ánh LDO | 05/04/2021 12:00

Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2021 đạt 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020 và là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư công sẽ tiếp tục thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng trưởng cao hơn trong quý II/2021.

Thách thức lớn

Năm 2021, Chính phủ phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, cao hơn kế hoạch năm 2021 mà Quốc hội giao là khoảng 6%. Do đó trong thời điểm dịch bệnh đang có nhiều phức tạp, con số GDP tăng trưởng 4,48% trong quý I cho thấy mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là hoàn toàn khả thi.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, với kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Bước sang quý II, dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải; tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, rất khó có thể dự báo được diễn biến của nền kinh tế trong thời gian tới. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021 dù được đánh giá là khả thi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Quốc Phương - cũng thừa nhận để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên là rất thách thức, nhưng vẫn có những cơ hội tốt nếu chúng ta biết tận dụng.

Nói với Lao Động, chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ) cho rằng, đại dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Dịch đã hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Đề cập tới các giải pháp duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, vị chuyên gia này cho rằng, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước là những điều kiện cần thiết.

Trong khi đó, PGS-TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng, muốn đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra có thể phải dùng các nỗ lực kích thích tài khóa về tiền tệ. Tuy nhiên, như vậy sẽ gây ra các rủi ro khác cho nền kinh tế, đặc biệt là rủi ro liên quan tới lạm phát và bong bóng giá tài sản.

Đầu tư công, xuất khẩu là chủ lực

Trao đổi với Lao Động, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng trước hết cần tiếp tục cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút thêm đầu tư khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Theo ông Doanh, việc tiếp tục tìm kiếm thị trường, nâng cao số lượng và chất lượng của hàng xuất khẩu để tạo thêm việc làm cho người lao động là điều cần thiết thứ hai. Thứ ba, tiếp tục cải cách mạnh và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), để có thể thu hút thêm vốn khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Nâng cao chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của các DNNN. Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng tiếp tục đề ra các biện pháp để đối phó với biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ. Đây là những việc chúng ta cần ưu tiên làm.

“Hiện nay, các địa phương có phát huy rất nhiều sáng kiến, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét và phân cấp mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho các địa phương phát huy sáng kiến của mình và phát hiện những hướng đi điển hình mới, các cách làm năng động hơn. Ví dụ như TP.Hồ Chí Minh, họ đã có nhiều sáng kiến trong việc vận dụng công nghệ số. Hay ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh cũng đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, phát triển các khu công nghiệp có hiệu quả. Vì vậy, cần nghiên cứu, khảo sát và phát hiện ra các kinh nghiệm tốt để có thể vận dụng cho các địa phương” - ông Doanh nói.

Cùng quan điểm PGS-TS Phạm Thế Anh chia sẻ, động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần.

Có thể tăng trưởng của Việt Nam trong quý II, quý III sẽ đạt mức cao hơn quý I vì lý do rất đơn giản, trong quý II, quý III năm ngoái, kinh tế Việt Nam bị phong tỏa, các hoạt động thương mại, kinh tế, đầu tư bị gián đoạn trong khi năm nay có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả năng sẽ khả quan hơn, đầu tư công vẫn tiếp tục đà của năm trước, xuất khẩu vẫn đang tốt nhờ sự năng động, hiệu quả của khu vực FDI trên thị trường quốc tế; các hoạt động tiêu dùng của Việt Nam đang từng bước hồi phục.

PGS-TS Phạm Thế Anh cũng cảnh báo lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là bắt đầu từ tháng 4.2021. Năm ngoái, xu hướng lạm phát giảm từ tháng 4 - 5 trở đi do phong tỏa nên tiêu dùng sụt giảm dẫn tới giá cả tiêu dùng giảm. Năm nay thì khác, so với cùng kỳ năm ngoái sẽ tăng trở lại, xu hướng từ nay tới cuối năm dự báo giá cả hàng hóa sẽ tăng lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn