MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lái buôn cây cảnh Tết: Năm nay nhàn quá!

Trang Hà LDO | 08/01/2023 10:00

Vào dịp này những năm trước, người dân đi mua cây cảnh trưng Tết đã tấp nập phố phường. Thế nhưng năm nay khá vắng, thương lái chờ khách mua trong thấp thỏm.

Cây cảnh "nằm dài" chờ người mua

Thở dài thườn thượt nhìn dòng người tấp nập trên phố Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chị Tâm - chủ nhà vườn bán và cho thuê đào cây - đào thế thở dài: "Ế quá, ế không chịu được".

Vườn nhà chị Tâm năm nay trồng được hơn trăm gốc đào. Số đào cành chủ yếu đổ buôn ngay tại vườn nhưng cũng chẳng lời lãi bao nhiêu, bởi đợt rét đậm rét hại vừa qua khiến đào bị ảnh hưởng xấu. Họa may các cành đào dáng huyền được ưa chuộng còn vớt vát lại công chăm bón, vun trồng.

Những gốc đào khỏe, dáng đẹp, nụ mẩy, nhiều bông sẽ được vận chuyển ra các con phố phục vụ khách chơi Tết Nguyên đán Quý Mão. Thế nhưng, người bán "đỏ mắt" tìm người mua.

Chủ vườn cây cảnh, thương lái buồn rầu vì ế ẩm. Ảnh: Trang Hà

"Giá cả năm nay thấp, đã giảm từ 5-10% so với năm ngoái. Thế nhưng sức mua vẫn chậm hơn mọi năm. Năm ngoái dịch bệnh nhưng người dân còn mua nhiều và nhanh hơn năm nay. Thợ của tôi ra đây phụ giúp nhưng không có việc, ngồi chơi chán chê suốt từ hôm ra bán đến giờ" - chị Tâm thở dài.

Người bán đào cho biết, với tình hình này sẽ bán hàng đến 30 Tết. Mong rằng, những ngày tiếp theo lượng khách hàng sẽ tăng, thời tiết thuận lợi để hoa nở đẹp cho người dân trưng Tết.

Những chậu đào “nằm dài” chờ người mua. Ảnh: Trang Hà

"Nhàn" vì ít khách

Buôn bán đào cảnh chơi Tết đã ngót nghét 15 năm, anh Vũ Nhân - thương lái trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, sức mua năm nay chậm hơn mọi năm. Có lẽ do kinh tế khó khăn, trong thời kỳ bão giá nên người dân chi tiêu tiết kiệm.

Mặt hàng kinh doanh của anh Nhân chủ yếu là đào cổ, trong đó có đào Thất Thốn. Đây là một loại đào cảnh cổ, hiếm và có sức sống rất mãnh liệt. Đào được chuyển từ Mộc Châu về Hà Nội phục vụ người dân chơi Tết.

Nếu như năm trước, những gốc đào cổ có hoa nở đỏ thắm, thân cây xù xì, già cỗi với nhiều dáng thế lạ được cho thuê với giá từ 150-200 triệu đồng thì năm nay cao nhất chỉ 100 triệu đồng.

 Những gốc đào cổ. Ảnh: Trang Hà

"Sức mua và thuê năm nay chậm hơn mọi năm. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có sự đột phá về doanh thu. Tôi thấy năm nay nhàn quá vì ít khách. Chỉ mong đông khách để được vất vả trong những ngày cuối năm" - anh Nhân cười trừ.

Theo nhiều chủ vườn và lái buôn, dịch bệnh hồi đầu năm khiến nhà vườn gặp khó trong việc chăm sóc, đặc biệt là các loại phân bón tăng giá mạnh. Dù chi phí chăm bón tăng, dịch vụ vận chuyển cũng tăng, nhưng nhà vườn vẫn giữ ổn định giá bán hợp lý, thậm chí giảm từ 5-10% so với năm trước để đảm bảo cho người tiêu dùng.

 Quất xếp hàng dài chờ người mua. Ảnh: Trang Hà

"Tết đến, xuân về ai cũng mong được ấm no. Chỉ mong trời thương, bán hết sớm, không phải chịu cảnh ngày 29-30 Tết phải bán thốc bán tháo với giá rẻ mạt" - anh Hữu Doanh - lái buôn quất trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) mong mỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn