MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chứng khoán Everest kinh doanh kém hiệu quả trong những năm gần đây. Ảnh: EVS

Lãi ngày một mỏng và cuộc tháo chạy của nhà đầu tư khỏi Chứng khoán Everest

Đức Mạnh LDO | 26/04/2024 06:00

Năm 2023, cứ 100 đồng doanh thu, Chứng khoán Everest chỉ đem về vỏn vẹn khoảng 8 đồng lợi nhuận sau thuế. Cổ phiếu EVS cũng giảm mạnh giá trị song song với tình hình kinh doanh ngày một kém hiệu quả.

Ngoài những vết gợn trong lĩnh vực trái phiếu như Lao Động đã đề cập trong bài viết trước, tình hình kinh doanh của Công ty Chứng khoán Everest (mã chứng khán EVS) cũng liên tục đi xuống. Theo đó, doanh thu của Everest có dấu hiệu suy yếu khi năm 2022 giảm 18% so với năm trước xuống 905 tỉ đồng; năm 2023 giảm tiếp 57% xuống 383 tỉ đồng. Song song với đó là lợi nhuận ngày càng mỏng với năm 2022 "bốc hơi" tới 82% còn 76 tỉ đồng; năm 2023 giảm thêm 56% về mức 33 tỉ đồng.

Chỉ số ROS (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp) qua đó cũng thu hẹp dần. Năm 2023 là khoảng 8%, tức 100 đồng doanh thu chỉ đem về vỏn vẹn 8 đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi năm 2022 ROS là 8% và 2021 là 38%.

Doanh thu và lợi nhuận của Chứng khoán Everest qua các năm. Đồ họa: Đức Mạnh

Đi sâu vào nguyên nhân, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 cho thấy mảng môi giới chứng khoán của Everest chỉ đạt 26 tỉ đồng, giảm sâu 65% so với năm trước. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lỗ lãi (FVTPL) chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động với 321 tỉ đồng, giảm 37%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 75% xuống còn 31 tỉ đồng. Riêng phần doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán chỉ có vỏn vẹn 800 triệu đồng, trong khi năm trước là 168 tỉ đồng.

Đi kèm với hiệu quả kinh doanh thấp, thị giá cổ phiếu EVS trên sàn chứng khoán cũng lao dốc không phanh dù logo được đổi sang màu tím cho hợp phong thủy của ngành. Tính từ vùng đỉnh 27.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 2.2022 đến nay, EVS đã "bốc hơi" 74% xuống còn vỏn vẹn 6.900 đồng/cổ phiếu (tính đến ngày 19.4.2024). EVS rơi vào nhóm ít các cổ phiếu chứng khoán có mức giá "trà đá" hiện nay.

Cổ phiếu EVS về vùng giá chỉ bằng cốc trà đá. Ảnh chụp màn hình

Trong bối cảnh đó, thị trường cũng chứng kiến cuộc tháo chạy của hàng loạt nhà đầu tư từ tổ chức tới cá nhân khỏi công ty chứng khoán này. Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn - cổ đông nắm giữ 19,42% vốn điều lệ - đã đã bán sạch 32 triệu cổ phần vào tháng 12.2023.

Cũng trong năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Ngô Thị Thu Hương đã bán toàn bộ 109.312 cổ phiếu đang nắm giữ. Giám đốc tài chính Vũ Thị Thanh Hằng bán hết 89.200 cổ phiếu. Kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng bán sạch 69.500 cổ phiếu.

Mới đây nhất, Ủy viên Hội đồng quản trị Nguyễn Thành Chung đã chính thức bán 200.000 cổ phần trong tổng số 432.376 cổ phiếu đang nắm giữ vào tháng 3.2024 (giảm tỉ lệ sở hữu từ 0,14% xuống 0,02%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn