MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bất động sản Nhật Nam đưa hàng loạt mồi nhử về lợi nhuận, quà tặng khiến nhiều nạn nhân mắc bẫy. Ảnh: Tuyết Lan

Lãi suất bất động sản Nhật Nam cao gấp 13 lần ngân hàng

Tuyết Lan LDO | 11/09/2023 10:29

Công ty Bất động sản Nhật Nam (Bất động sản Nhật Nam) đưa ra mồi nhử với mức lãi suất "kếch xù" đã khiến nhiều nạn nhân tin tưởng góp vốn. Theo các chuyên gia, việc góp vốn rồi ngồi chơi, hàng ngày nhận lãi suất khủng lên tới 34 - 80% chỉ có "trong mơ".

"Miếng pho mát chỉ có trong bẫy chuột..."

Theo thông tin của cơ quan chức năng, bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam - đã đưa thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, cam kết trả lãi 34 - 46%, thậm chí là 80% để người dân tin tưởng nộp tiền.

Việc nộp tiền thực hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thúy lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Bước đầu xác định, Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 người, với tổng số tiền hàng nghìn tỉ đồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - khẳng định, những công ty đưa ra lãi suất khủng 34 - 46%, thậm chí 70 - 80% như Bất động sản Nhật Nam chắc chắn là “mồi bả chuột” để kêu gọi các nhà đầu tư.

“Hiếm có trường hợp kinh doanh đem lại mức lãi suất cao đến 80% để trả cho nhà đầu tư. Nếu có, khả năng nằm trong 2 trường hợp: Lừa đảo hoặc kinh doanh bất hợp pháp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm can thiệp, thanh tra, xử lý kịp thời để tránh nhiều người dân trở thành nạn nhân.

Mức lãi suất Bất động sản Nhật Nam đưa ra cao bất thường so với mức lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay. Trung bình lãi suất huy động của nhóm ngân hàng Big 4 kỳ hạn 12 tháng hiện nay ở mức khoảng 5,8%/năm. Lãi suất cao nhất Bất động sản Nhật Nam đưa ra là 80%/năm. Mức lãi suất Bất động sản Nhật Nam đưa ra cao gấp hơn 13 lần so với Big 4 ngân hàng ở Việt Nam” - ông Thịnh khẳng định.

Nhiều nạn nhân góp vốn đầu tư vào Bất động sản Nhật Nam lâm vào cảnh vỡ nợ. Ảnh: Tuyết Lan

Bài học "xương máu" khi góp vốn nhận lợi nhuận "kếch xù"

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - cho rằng, nhà đầu tư có khả năng lấy lại tiền bị lừa đảo. Tuy nhiên, lấy lại được bao nhiêu phụ thuộc cơ quan chức năng đã kê biên và phong toả được những tài sản nào của Bất động sản Nhật Nam.

“Theo nguyên tắc, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ kê biên, phong tỏa tất cả tài sản của Bất động sản Nhật Nam bao gồm tiền, bất động sản… Trong quá trình điều tra, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định bị hại, giá trị tài sản bị chiếm đoạt và buộc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại khi người bị hại có yêu cầu.

Do vậy, nhà đầu tư bị lừa đảo cần tiếp tục làm đơn tố cáo và cung cấp thông tin để cơ quan điều tra tiến hành xác minh. Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét và quyết định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Khi tố cáo, nhà đầu tư cần cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng chứng cứ các thông tin về giấy tờ liên quan đến hợp đồng hợp tác góp vốn và các khoản lãi định kỳ đã được trả, khoản tiền bị Bất động sản Nhật Nam chiếm đoạt và tài liệu chứng cứ liên quan để xác định là bị hại.

Nếu nhà đầu tư không có yêu cầu, cơ quan tiến hành tiến hành tố tụng sẽ không có cơ sở để xem xét, giải quyết và quyết định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đối với những nhà đầu tư không bị lừa đảo mà chỉ xác định trách nhiệm dân sự thì sẽ phải kiện bằng một vụ án dân sự riêng" - ông Dũng cho hay.

Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, ngay từ đầu, việc Bất động sản Nhật Nam huy động vốn đã đưa ra những mức lợi nhuận phi lý. Đây là bài học “xương máu” cho người dân khi muốn kí kết hợp đồng góp vốn. Luật sư Nguyễn Phó Dũng cho rằng, khi muốn góp vốn đầu tư, người dân cần cảnh giác và lưu ý 3 vấn đề.

“Thứ nhất, nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý, đánh giá những rủi ro để quyết định đầu tư.

Thứ hai, kiểm chứng thông tin công ty quảng cáo và cảnh giác những lời chào mời với mức lợi nhuận “kếch xù” so với thị trường.

Thứ ba, có những biện pháp theo dõi, giám sát, kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn. Thực tế, không có gì miễn phí như việc góp vốn ngồi chơi rồi nhận tiền nên người dân cần cẩn trọng với những lời chào mời lợi nhuận “trong mơ” - luật sư Nguyễn Phó Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn