MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất vay giảm sẽ tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản. Ảnh: Gia Miêu

Lãi suất còn giảm để hỗ trợ bất động sản?

Minh Ánh LDO | 19/11/2023 12:12

Nhiều người vay ngân hàng để mua nhà giai đoạn vừa qua cho biết, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm, nhưng vẫn ở mức trên 10%.

Lãi vay ngân hàng "hạ nhiệt", người vay kỳ vọng giảm thêm

Tính đến 31.10, biểu lãi suất cho vay mua nhà tại 13 ngân hàng dao động trong khoảng từ 10,5-13,2%/năm, theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).

Theo đó, hầu hết ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất là lãi suất vay ưu đãi trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi từ 2% đến 4%.

Lãi suất cho vay bất động sản theo thống kê của VARS. Ảnh chụp màn hình.

Chị Thuý (Hà Nội) cho biết, khoản vay 1 tỉ đồng để mua nhà của chị vừa được ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay giảm tiếp 1 điểm %, xuống còn quanh mốc 13,5%/năm.

Khoản vay này tại một ngân hàng tư nhân với thời hạn vay 20 năm. "Lãi suất 13,5% vẫn còn quá cao. Tôi vẫn mong muốn mức lãi suất có thể giảm hơn" - chị Thuý nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thắng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khoản vay mua nhà của anh chỉ được điều chỉnh giảm lãi suất xuống 11% vào tháng 6.2023. Đến nay vẫn chưa có thêm điều chỉnh giảm khác.

Khoản vay của anh Thắng tại một ngân hàng lớn trong nhóm Big4. Anh Thắng cho biết: "Lãi suất huy động của ngân hàng này đã giảm sâu. Nếu cộng theo biên độ, có lẽ lãi suất vay của tôi nên giảm hơn so với hồi tháng 6".

Xu hướng lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm biến động ra sao?

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2 điểm % so với cuối năm ngoái.

Mới đây, tại Hội nghị "Tháo van tín dụng - Khơi thông dòng vốn" do báo Dân Trí tổ chức, TS Võ Trí Thành - chuyên gia tài chính - cho biết, thị trường bất động sản chiếm 51-52% tín dụng. Tuy nhiên cầu thiếu, cơ hội kinh doanh ít. Do đó, doanh nghiệp không muốn vay để tiêu tiền vào mảng này.

Chính phủ đang có 3 giải pháp, trong đó có việc Bộ Xây dựng sửa đổi nghị định thông tư pháp lý quy trình, ví dụ như xử lý các cơ chế vướng mắc. Pháp lý phải thông thì ngân hàng mới có thể xuống tiền.

TS Võ Trí Thành cho rằng kết quả về bất động sản chưa được như kỳ vọng. Nhiều chuyên gia dự báo thời điểm để bất động sản có thể cải thiện rõ nét hơn là sau quý 2 năm 2024.

Thời điểm hiện tại đến đầu 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn. Nguyên nhân không nằm ở lạm phát, mà vấn đề cơ bản là áp lực về tỷ giá.

"Chúng ta không thể để VND mất giá, vừa để giữ chỗ cho tỷ giá phát triển, đảm bảo thanh khoản. Nếu tỷ giá mất quá, không chỉ là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận mức độ mất giá nhưng không thể quá cao" - ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, việc hạ lãi suất điều hành rất khó nhưng hiện cũng đang thúc giục các ngân hàng hạ lãi suất cho vay.

"Ngân hàng thương mại huy động cũng quá cao nên nếu hạ nhanh sẽ lỗ nặng. Cách làm của Việt Nam rất linh hoạt. Ngân hàng có thể bớt ít lợi nhuận, có những gói cho vay với lãi suất thấp hơn.

Các ngân hàng thương mại có tập khách hàng của riêng họ, khẩu vị khác, có ngân hàng thiên về doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ngân hàng thiên về bất động sản… hệ sinh thái khác nhau nên phải tìm hiểu khẩu vị đánh giá rủi ro, hợp tác cùng với đối tác. Khách hàng phải biết mình thuộc nhóm nào để chơi với các ngân hàng" - TS Võ Trí Thành chia sẻ.

Về câu hỏi khi nào lãi suất vay mới được như nhiều người kỳ vọng dù hiện nay lãi suất tiền gửi đã thấp hơn các tháng trước 2-3%, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDbank - khẳng định lãi suất cho vay đã thấp hơn quý trước. Các ngân hàng phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt trong giai đoạn hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn