MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãi suất giảm, nhưng vẫn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp

Nhóm PV LDO | 23/05/2023 18:07

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, để "cứu" doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ có thể yêu cầu hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm lãi suất xuống dưới 10%.

Theo báo cáo thẩm tra tình hình hình kinh tế - xã hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước).

Có 20.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 39,9%) và 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 10,1%). Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Vậy giải pháp để "cứu" doanh nghiệp trong thời điểm này là gì, phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi với ông Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về vấn đề này bên hành lang Quốc hội.

Hiện nay "sức khoẻ" của doanh nghiệp rất yếu, vậy cần "liều thuốc" nào để cứu họ trong thời điểm này, thưa ông?

- Có một điều chúng ta cần nhìn nhận rõ là trong thời gian qua, khả năng chèo lái của Chính phủ đối với nền kinh tế là điều mà tôi đánh giá rất cao.

Tôi cho rằng, chưa khi nào chúng ta trải qua giai đoạn khó khăn như 2-3 năm trở lại đây, khó khăn hết "cơn" này đến "cơn" khác, rất vất vả.

Với doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề khó khăn, từ thị trường đến vốn, đến đầu ra. Sức chống chịu của doanh nghiệp rất yếu, họ cần vốn để duy trì và phát triển, bởi vốn chính là máu của doanh nghiệp. Nếu không đủ vốn thì đừng nói đến làm điều gì to lớn khác.

Việc giảm lãi suất của ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp chưa, thưa ông?

- Những khó khăn về thị trường có thể chưa giải quyết được ngày một, ngày hai, nhưng vẫn còn điểm "bám víu" là nếu thị trường quốc tế gặp khó, chúng ta vẫn còn có thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Nhưng vốn với doanh nghiệp chỉ có một đường, một đầu vào, đó chính là tín dụng.

Điều mà các Đại biểu Quốc hội nói rất nhiều, chính là vai trò của hệ thống ngân hàng, vai trò của hệ thống tín dụng với doanh nghiệp trong thời gian qua như thế nào?

Mặc dù chúng ta điều hành nền kinh tế theo pháp luật, nhưng có thời điểm lãnh đạo Chính phủ đã phải dùng đến mệnh lệnh hành chính để yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất.

Việc giảm lãi suất có hay không, tôi cho rằng có, nhưng không thấm vào đâu, lãi suất vẫn còn rất cao, trên 10% chưa tính các chi phí khác. Với mức lãi suất như vậy chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chưa phản ánh được khó khăn của thị trường. Doanh nghiệp không thể chịu được, đây là bài toán cần giải quyết. 

Tôi cho rằng, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng phải hết sức chia sẻ với doanh nghiệp. Trong bối cảnh cả nước chống dịch, chúng ta đã có những nghị quyết hỗ trợ rất cụ thể, chưa có tiền lệ, thì trong bối cảnh này cũng cần có những giải pháp rất quyết liệt.

Nếu cần cũng phải tạo ra những giải pháp chưa có trong tiền lệ. Vì nếu doanh nghiệp có "sống tốt" thì mới tạo ra được các giá trị cho xã hội. Nếu doanh nghiệp tốt, thuế chúng ta có, người lao động có thu nhập, công ăn việc làm, xã hội "thay da đổi thịt".

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An. Ảnh: Quochoi.vn

Như ông vừa nói, thị trường xuất khẩu quốc tế rất khó khăn, cần quay lại thị trường trong nước. Vậy chính sách nào để kích cầu thị trường trong nước hiệu quả, bởi hiện tải tổng cầu rất yếu?

- Chúng ta đã giảm thuế và có những chương trình kích cầu trực tiếp với người dân. Chúng ta cũng có nhiều chương trình xúc tiến thương mại để người dân Việt Nam nhìn nhận đúng hơn về hàng Việt Nam. Làm được vấn đề đó sẽ tăng cầu nội địa, kích cầu các sản phẩm dịch vụ và cả du lịch.

Ngoài ra cần dùng các biện pháp kỹ thuật. Tôi lấy ví dụ, chúng ta có thể tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản về mặt tín dụng ở phân khúc nhà ở trung bình. Nếu thị trường bất động sản thuộc phân khúc này phục hồi, các lĩnh vực khác như xi măng, sắt thép cũng tốt lên.

Theo ông, thời điểm này cần có những chính sách đặc biệt như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi?

Chính sách đặc biệt ở đây là lãnh đạo Chính phủ có thể yêu cầu hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm lãi suất xuống dưới 10%. Phải có những giải pháp quyết liệt như vậy thì doanh nghiệp mới tiếp cận được.

Hay những doanh nghiệp nhiều lao động, nộp thuế lớn, đừng căn cứ vào tiêu chuẩn có nợ xấu thì không cho vay. Trong tình thế đặc biệt có thể áp dụng cho vay để cứu doanh nghiệp vượt qua "cơn bão" khó khăn. Bên cạnh đó, cần sử dụng ngay quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để cứu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất. 

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn