MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số ngân hàng thậm chí trả lãi suất tới 8,4% và 9,2% khi khách hàng gửi số tiền lớn. Ảnh: H.N

Lãi suất huy động cao nhất duy trì sát ngưỡng 8%/năm

Văn Nguyễn LDO | 31/07/2020 15:41

Dù có xu hướng giảm trong các ngày qua, lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng thương mại vẫn đang lên tới 7,4 -7,7%/năm.

Theo thống kê biểu lãi suất huy động tiền đồng (VND) đang được 16 ngân hàng thương mại công bố, mặt bằng lãi suất huy động vào thời điểm cuối tháng 7.2020 chứng kiến mức giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn gửi tiền.

Trong đó tại kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất huy động VND chứng kiến mức phân hóa rất rõ rệt giữa nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh và nhóm ngân hàng thượng mại cổ phẩn. Cụ thể trong khi các ngân hàng quốc doanh chỉ trả lãi suất 4,4%/năm, phần lớn các ngân hàng cổ phần lại trả lãi suất trên 6% đến cao nhất 7,05% cho kỳ hạn huy động 6 tháng.

Tương tự tại kỳ hạn huy động 12 tháng, lãi suất huy động tại các ngân hàng quốc doanh hiện chỉ đạt 6%/năm. Trong khi tại các ngân hàng cổ phần, lãi suất kỳ hạn này vẫn đang được áp dụng phổ biến trong khoảng 6,6 – 7,5%/năm.

Lãi suất tại nhiều ngân hàng vẫn đang vượt mức 7%/năm. Ảnh: SSI
Trong đó tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hầu hết đều chạm mức 7%/năm hoặc cao hơn mức này trong khoảng 7,2 – 7,5%/năm, tạo ra khoảng chênh lệch đáng kể lên tới 1,2 – 1,5% so với lãi suất huy động cùng thời điểm tại các ngân hàng quốc doanh.

Đáng chú ý là nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hiện cũng đang trả lãi suất cao hơn nhằm đẩy mạnh huy động vốn ở các kỳ hạn dài như 18, 24 và 36 tháng. Thậm chí tại một số ngân hàng như OceanBank, DongABank hay NCB, lãi suất huy động ở kỳ hạn 36 tháng hiện dao động trong khoảng 7,4 – 7,7%/năm và thiết lập mức lãi suất cao nhất trên thị trường.

Thậm chí tại một số ngân hàng cổ phần như DongABank, lãi suất hàng loạt kỳ hạn đều ở trên mức 7%/năm, trong đó các kỳ hạn từ 7 tháng đến 36 tháng có lãi suất tăng tương ứng từ 7,1%/năm lên 7,6%/năm.

Các mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng hiện cũng đang cao hơn khoảng 0,2 – 0,4% nếu so với mức lãi suất tại kỳ hạn 12 tháng và chênh lệch này cho thấy nhiều ngân hàng vẫn đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn vốn dài hạn.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất huy động nói trên tại các ngân hàng thương mại hiện đang có mức giảm khoảng 0,75 – 1,0%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1 – 2%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên nếu so với thời điểm cuối năm 2019.

Gần đây nhất từ ngày 1.7.2020, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chứng kiến mức giảm đồng loạt 0,1- 0,9%/năm tùy từng kỳ hạn và đây được coi là đợt giảm lãi suất mạnh nhất từ cuối năm 2019 đến nay.

Thực tế tại một số ngân hàng thương mại như SHB, một số kỳ hạn huy động như 6, 12 và 13 tháng thậm chí đang được trả lãi suất lần lượt lên tới 7,8%, 8,9% và 9,2%/năm. Tuy nhiên theo một lãnh đạo ngân hàng SHB, mức lãi suất này chỉ được áp dụng với số tiền gửi trên 500 tỉ đồng.

Tương tự, ngân hàng Eximbank hiện cũng đang trả cho khách hàng lãi suất 8,0%/năm khi gửi số tiền từ 300 tỉ đồng trở lên và 8,4%/năm khi gửi số tiền từ 500 tỉ đồng trở lên ở kỳ hạn 24 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn