MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Lãi suất huy động đã chạm đáy, khó giảm thêm

Huyền Mai - Minh Ánh LDO | 11/03/2024 10:54

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết trong báo cáo vĩ mô mới ra, rằng lãi suất huy động rất có thể sẽ tạo đáy trong quý 1 này và nhu cầu tín dụng sẽ có thể tăng lên trong năm 2024.

Lãi suất tiền gửi khó có thể giảm thêm

Theo báo cáo của MBS, vào ngày 22.2, lãi suất liên ngân hàng đã đạt đỉnh, đẩy lãi suất qua đêm lên đến 3,7%. Song sau đó, lãi suất có xu hướng giảm dần về cuối tháng.

Cụ thể, lãi suất qua đêm hiện đã giảm xa so với mức đỉnh. Cùng lúc, xu hướng giảm mạnh cũng áp dụng với mức lãi suất ở các kỳ hạn ngắn hơn 1 tháng, ở khoảng 1,5%-2%.

Trong thời gian vừa qua, các ngân hàng vẫn tiếp tục với “cuộc đua” giảm mạnh lãi suất huy động. Song, nhóm ngân hàng nhà nước vẫn “im hơi lặng tiếng” với mức lãi suất ổn định, hiện vẫn ở mức 4,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Sau các cơn sóng hạ lãi suất, nhiều ngân hàng tư nhân đã đưa lãi suất về mức thấp chưa từng có.

Tuy vậy, một số ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất, chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhằm thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết. Với tiền gửi 12 tháng, mức lãi suất bình quân vẫn ở quanh mức 5%/năm.

Các chuyên gia phân tích của MBS cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.

MBS cho rằng nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở lại trạng thái cân bằng, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 13-14% nhờ sự gia tăng vốn đầu tư và tiêu dùng.

Sức hấp dẫn của kênh tiền gửi đang nhạt dần

Mặt khác, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC, lãi suất huy động ngân hàng hiện đã giảm chạm đáy. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng trung bình hiện thấp hơn đáng kể so với trung bình giai đoạn quý IV/2023.

Theo DSC, khi lãi suất huy động đã chạm đáy, sức hấp dẫn của kênh tiền gửi này nhạt dần. Điều này thể hiện rõ ràng qua xu hướng tăng trưởng của tiền gửi. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2023, tiền gửi tăng trưởng rất mạnh đạt 8,8% YTD thì trong nửa năm sau, lượng tiền gửi chỉ tăng trưởng thêm khoảng 1,5%.

Với nhận định dòng tiền sẽ bắt đầu đi tìm kiếm các kênh sinh lời hiệu quả hơn, DSC đánh giá tăng trưởng tiền gửi giai đoạn quý I/2024 sẽ có tốc độ chậm hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế chia sẻ góc nhìn về xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm thêm. Ngoài ra, ông nhấn mạnh: “Nếu lãi suất huy động ở mức rất thấp, không đủ bù đắp cho trượt giá, người dân sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà tìm kiếm kênh đầu tư cho lợi suất cao hơn như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán…

Khi đó, khả năng huy động vốn của các ngân hàng thu hẹp lại và đương nhiên khả năng cho vay thu hẹp lại. Đây chính là bẫy thanh khoản. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi kinh tế phục hồi, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng lên. Nói tóm lại, không thể hạ lãi suất tiền gửi thêm nữa".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn