MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất huy động đang có diễn biến tăng khá mạnh. Ảnh: Lam Duy

Lãi suất huy động tăng mạnh, ngóng lãi vay

Gia Miêu LDO | 06/02/2022 14:03

Lãi tiết kiệm tăng trở lại trong thời gian gần đây và câu hỏi đặt ra liệu có tác động đến dư địa hạ lãi suất vay trong năm 2022. 

Theo khảo sát tại phần lớn các ngân hàng, lãi suất huy động tiền VNĐ trong tháng 2.2022 tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng, trong đó, có ngân hàng huy động với lãi suất trên 12%/năm. Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO. Đây là mức lãi suất cao nhất tại VPBank và cũng cao nhất toàn ngành tại thời điểm này. Đối với sản phẩm tiết kiệm thường tại quầy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng dao động từ 4,8-5,8%/năm thay vì từ 4,5-5,1%/năm như trước; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tại VPBank áp dụng từ 5,6-6,1%/năm thay vì 4,8-5,4%/năm. Như vậy, VPBank đã có bước tăng lãi suất thêm tới 0,7%/năm tại nhiều kỳ hạn so với hồi đầu tháng 1/2022.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,4-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn từ ngày 7.2. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, khối ngân hàng quốc doanh vẫn giữ nguyên mặt bằng lãi suất huy động ở mức ổ định lâu nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, trong năm 2021, nguồn tiền nhàn rỗi đã chuyển hướng khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh. Tuy nhiên hiện nay khi cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm 2021, đầu 2022 và khi dịch bệnh được kiểm soát, thì ngân hàng cũng phải đẩy mạnh huy động vốn. Từ đó, mặt hàng lãi suất đầu vào điều chỉnh tái tăng trở lại cũng là bình thường. Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động trong năm 2022 có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ. Tuy nhiên, áp lực tăng tại lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là việc lãi suất huy động tăng mạnh trở lại có ảnh hưởng đến việc hạ lãi suất vay trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch. Theo phân tích của chuyên gia tài chính TS Nguyễn Duy Phương, chính sách tiền tệ thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Kể từ khi đại dịch xảy ra đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trên dưới 2% so với trước khi dịch xảy ra. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn, giãn nợ cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp ảnh hưởng bởi COVID-19. 

Từ đó, các ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay. Mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đã giảm mạnh trong thời gian qua. Điều này cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh. Nhưng để giảm được lãi suất cho vay, trước hết, ngân hàng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiết kiệm khó khăn và ngân hàng phải tái tăng lãi suất gần đây. Đây là điều doanh nghiệp cũng cần có sự tính toán, TS Nguyễn Duy Phương nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn