MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất huy động ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ảnh: LD.

Lãi suất huy động tiếp tục tăng nhiệt

TRÍ MINH LDO | 06/09/2022 08:23

Theo khảo sát tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước.

Trong đó có thể kể tới như Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên mức 6,9%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng đều tăng nhẹ lên thành 4%/năm.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), lãi suất kỳ hạn 24 tháng được tăng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của ngân hàng này cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi, khiến áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay tăng cao.

Giới quan sát cũng nhận định lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn.

Mới đây, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỉ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.

Từ đó, các chuyên gia của SSI dự báo: “lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%”.

Ở một diễn biến liên quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có những chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ sớm có thông báo về điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng trong con số 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã định hướng từ đầu năm để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Các ý kiến nhận định cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%. Áp lực nới room tín dụng đang mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng nóng 

Trong vòng một tuần tính đến ngày 25.8.2022, phân tích thị trường của chứng khoán Bảo Việt cho thấy lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã có diễn biến tăng mạnh trở lại, lần lượt ở mức 1,31%, 1,40% và 1,54%, quay trở lại mức 3,74%, 4,08% và 4,32%/năm. BVSC cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng mạnh trong tuần trước đó (trên 88.000 tỉ đồng, cao nhất kể từ năm 2019 tới nay) là nguyên nhân chính khiến lãi suất liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh trong tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn