MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng thanh khoản dồi dào, tín dụng tăng trưởng chậm, lãi suất huy động đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Trà My

Lãi suất rục rịch giảm, thanh khoản hệ thống dồi dào

Trà My LDO | 06/03/2023 09:35

Ngân hàng thanh khoản dồi dào, tín dụng tăng trưởng chậm, lãi suất huy động đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã trở lại dồi dào, vượt khoảng 50.000 tỉ đồng so với yêu cầu bắt buộc của hệ thống. Trong khi nguồn vốn dự trữ dồi dào thì tín dụng lại tăng rất chậm. Tín dụng đến 24.2 chỉ tăng 0,77%.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, tín dụng tăng chậm, sức cầu vốn suy giảm, lãi suất gửi tiết kiệm trên thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia phân tích của BVSC, mức giảm của lãi suất sẽ chậm lại trong 2-3 tháng tới cho đến khi áp lực tỉ giá giảm bớt.

Lý giải cho nhận định của mình, chuyên gia cho rằng, việc hạ mạnh lãi suất và nới lỏng thêm chính sách tiền tệ đối với Việt Nam sẽ chưa thể xảy ra ngay trong một vài tháng tới.

Lý do là bởi VNĐ mất giá trở lại trong bối cảnh chỉ số DXY tăng. Kể từ đầu năm tới nay, VNĐ đã giảm 0,47% so với đồng USD.

Áp lực đối với chỉ số lạm phát của Việt Nam vẫn còn hiện hữu khi giá của nhiều mặt hàng vẫn đang ở mặt bằng cao so với cùng kỳ - như học phí, dịch vụ ăn uống, giá thuê nhà và một số vật liệu xây dựng, trong khi năm 2023, những hỗ trợ để giảm giá không còn lớn như năm 2022.

Ngoài ra, từ đầu tháng 2, khung giá của mức bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng sau hơn 5 năm. Đây sẽ tạo tiền đề để điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ sau này. Do đó, trong năm 2023, khối phân tích cho rằng chỉ số CPI vẫn sẽ ở mức cao trong các tháng tới và duy trì dự báo lạm phát cả năm ở mức 4-4,5%.

“Với áp lực lạm phát vẫn còn, trong bối cảnh áp lực tỉ giá quay trở lại khi Fed vẫn đang tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay. Việc nới lỏng trở lại chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn phải phụ thuộc vào khả năng kiểm soát lạm phát trong nước cũng như Fed có thể dừng tăng lãi suất hoặc có kế hoạch rõ ràng hơn về việc tăng lãi suất trong thời gian tới” - chuyên gia của BVSC nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia của VinaCapital dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng sẽ có thể giảm khoảng 2% xuống còn 6%, cùng với sự mất giá 1-2% của đồng Việt Nam có thể thúc đẩy những người gửi tiết kiệm chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang bất động sản cho thuê và cổ phiếu.

Theo chuyên gia của VinaCapital, lãi suất cho vay mua nhà ở Việt Nam hiện đang trên 12% là quá cao với một số người dự định mua nhà, trong khi lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tư nhân ở Việt Nam hiện trên 8% đối với tiền gửi 1 năm. Vì vậy, các nhà đầu tư thường mua căn hộ để kiếm lời giờ đây gửi tiền vào ngân hàng.

Dự báo GDP danh nghĩa của Việt Nam (bao gồm cả lạm phát) sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2023. Điều này có thể thu hút khoảng 40 tỉ USD tiền gửi ngân hàng trong năm nay. Nếu Chính phủ bơm 40-50 tỉ USD thanh khoản vào nền kinh tế, có thể giúp tăng trưởng tiền gửi ngân hàng vượt tăng trưởng cho vay toàn hệ thống khoảng 3% và làm cho lãi suất huy động giảm nhẹ ở Việt Nam.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn