MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãi suất tăng do thanh khoản không còn dồi dào

TRÍ MINH LDO | 09/07/2022 11:03

Mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra đánh giá về một số chỉ tiêu vĩ mô trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, các chuyên gia nhận định, lãi suất huy động và tỉ giá 6 tháng đầu năm có tăng lên song vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, với mức tăng 0,5 - 1% chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Nguyên nhân được giới chuyên gia lý giải do thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng không còn dồi dào như năm 2021. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng tăng cao (tăng trưởng tín dụng hết tháng 6 đạt khoảng 8,5%, cao hơn nhiều so với mức 6,44% cùng kỳ năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ), kéo theo nhu cầu vốn tăng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi, nhất là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỉ đồng đang được tích cực triển khai.

Ở một diễn biến có liên quan, bước sang tuần thứ 3 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì hoạt động phát hành tín phiếu hút bớt tiền về ở hai kỳ hạn 7 và 14 ngày. Đến phiên ngày 5.7,  11.000 tỉ đồng hút thêm ở kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 0,65% và 19.700 tỉ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%; nhưng có 15.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn. Theo đó, quy mô lượng tín phiếu đang lưu hành lũy kế đã lên tới gần 130.000 tỉ đồng. Theo các chuyên gia nhận định, trong nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Lãi suất huy động và tỉ giá tăng lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh: LD

Về vấn đề tỉ giá, trong 6 tháng đầu năm, tỉ giá có thời điểm biến động mạnh, chủ yếu do đồng USD lên giá, đặc biệt là kể từ tháng 5 năm 2022 khi FED liên tiếp nâng lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức 1,5-1,75% nhằm kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, dự báo tỉ giá trong nửa cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát (cả năm tăng khoảng 2,5%) nhờ mức tăng của đồng USD thời gian tới dự báo không còn quá mạnh như 6 tháng qua; cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ tích cực (cán cân thương mại dự báo thặng dư 4 - 8 tỉ USD trong năm 2022 và dự trữ ngoại hối khá dồi dào, trên 100 tỉ USD). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tỉ giá chủ động, linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng sẽ vẫn có những rủi ro trong thời gian tới, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022 từ áp lực bên ngoài khi các nước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng đáng kể do sức cầu hàng hóa tiêu dùng giảm trong bối cảnh bất định tăng, lạm phát tăng, người dân (nhất là ở các đối tác nhập khẩu nhiều từ Việt Nam) thắt chặt chi tiêu hơn; lãi suất tăng khiến vay tiêu dùng, hoạt động đầu tư – kinh doanh của doanh nghiệp chậm lại, giảm cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam;...

Một trong những kiến nghị được các chuyên gia đưa ra là cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (đặc biệt là giá cả, giá xăng, dầu trong nước bằng cách tiếp tục cho phép giảm thuế, phí phù hợp), với chính sách tài khóa chặt chẽ, thích ứng và chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt (bao gồm cả điều hành tỉ giá và tín dụng) và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn