MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT. Ảnh: Đức Mạnh

Lãi suất thấp tạo đà cho cổ phiếu "vua", 4 ngành khác bứt phá trong 2024

Đức Mạnh - Phương Anh (Thực hiện) LDO | 15/01/2024 18:00

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT - đánh giá lãi suất đang rẻ sẽ là trợ lực rất lớn cho thị trường chứng khoán năm 2024. Tín dụng nhờ đó cũng sẽ tăng trưởng, kéo theo sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Thưa ông, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ có những động lực tăng trưởng đáng chú ý nào?

- Có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2023 khá “chua” khi có những giai đoạn thăng trầm, gần đây là việc rút ròng rất mạnh của khối ngoại.

Tuy nhiên, có một số yếu tố quan trọng mà chúng ta cần nhìn nhận, cả bên trong lẫn bên ngoài. Những ghi nhận của Chủ tịch FED gần đây cho thấy năm 2024 họ đã chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ “diều hâu" sang “bồ câu” với dự báo sẽ có từ 3 đến 4 lần cắt giảm lãi suất. Khi đó nền kinh tế sẽ dễ thở hơn và đặc biệt là với những thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam.

Với nền tảng thị trường tài chính bên trên, trong đó lãi suất đang rẻ sẽ là một trợ lực rất lớn cho thị trường chứng khoán năm 2024. Chứng khoán có thể “dễ thở”, lạc quan hơn nhờ những nền tảng vĩ mô được cải thiện. Vì vậy, quan điểm của tôi là thị trường sẽ lạc quan hơn nhiều so với năm 2023.

Với những nền tảng trên, kịch bản dành cho VN-Index năm nay theo ông sẽ là gì?

- Việc nâng hạng thị trường trong giai đoạn gần đây được Chính phủ rất chú trọng. Tổ chức nâng hạng FTSE Russell đã chỉ ra một số điểm nghẽn ở thị trường Việt Nam như sự tự do lưu chuyển vốn, công bố thông tin, room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài… Nếu các yếu tố trên được giải quyết, tôi cho rằng thị trường Việt Nam có lẽ sẽ có chứng nhận nâng hạng thị trường vào tháng 9.2024.

Bên cạnh đó, tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của thị trường năm 2023 giảm khoảng 8%, tức là nền kinh tế đi xuống. Tuy nhiên với câu chuyện dòng tiền rẻ, những chính sách hỗ trợ cùng sự tăng trưởng về thu nhập trong năm 2024, tôi dự đoán EPS năm 2024 có thể tăng trưởng trở lại ít nhất 20% so với năm trước. Như vậy, chỉ số VN-Index có thể đạt vùng 1.300 điểm trong năm 2024.

Tuy nhiên rủi ro lớn nhất sẽ đến từ thị trường trái phiếu. Chỉ khi giải quyết được vấn đề về tồn kho bất động sản, thanh khoản được khơi thông thì bài toán về trái phiếu mới được xử lý.

Vậy trong kịch bản đó, ông cho rằng những nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi?

- Tôi cho rằng đầu tiên sẽ là nhóm ngành bất động sản. Khi tháo gỡ pháp lý, các công ty địa ốc sẽ được cấp giấy phép đầu tư, từ đó tăng nguồn cung ra thị trường cũng như doanh thu bán hàng, kéo theo dòng tiền trở về, đồng nghĩa với việc sẽ tăng trưởng.

Với bất động sản khu công nghiệp, năm qua chúng ta có một năm kỉ lục vốn FDI đăng ký và giải ngân. Năm 2024 tôi đánh giá sẽ tiếp tục là một năm kỉ lục nữa. Với địa hình, địa thế "nhà ba mặt tiền, lưng tựa núi, dưới đồng bằng, nhìn ra biển Đông" thì chúng ta sẽ có thể còn hút vốn nhiều. Thêm vào đó, nguồn cung lao động của Việt Nam hiện nay cũng rất lớn với nhiều tập đoàn lớn đang dần dịch chuyển hệ thống sản xuất sang...

Thứ hai là nhóm ngân hàng. Khi những thông tư được gia hạn, ngân hàng không phải trích lập và tự cơ cấu nợ thì lợi nhuận sẽ tăng trưởng. Trên nền tảng lãi suất rẻ như hiện tại, tín dụng cũng sẽ tăng trưởng theo.

Tiếp theo là nhóm ngành đầu tư công có thể duy trì mức tăng trưởng tốt trong 5 năm tiếp theo. Khi hạ tầng phát triển sẽ có hệ số nhân lan tỏa rất tốt, trực tiếp tới ngành vật liệu xây dựng cũng như xây dựng.

Cuối cùng là ngành chứng khoán. Khi hệ thống thông tin KRX đi vào hoạt động sẽ tạo ra thêm sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư, trong đó có rút đi ngày thanh toán. Giao dịch trên thị trường nhờ đó sôi động hơn. 3 mảng lợi nhuận chính của các công ty chứng khoán nhờ đó sẽ hưởng lợi gồm phí giao dịch, phí cho vay margin và phí bảo lãnh phát hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn