MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Ảnh: Đức Mạnh

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng nhưng khó có thể cao hơn

Anh Kiệt LDO | 23/05/2024 10:13

Tín hiệu lãi suất huy động chạm đáy và bật tăng trở lại trong tháng vừa qua được giới phân tích cho là chỉ báo cho thấy dư địa giảm thêm lãi suất cho vay không còn nhiều.

Tính đến giữa tháng 5.2024, hầu hết các nhà băng đã tái tăng lãi suất đầu vào với mức cao nhất đang được áp dụng là 6,2%/năm ở kỳ hạn dài. Dù vậy nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy. Nguyên nhân do một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn cụ thể và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam (một chỉ báo cho xu hướng lãi suất huy động) đã tăng lên 2,09% tính đến ngày 26.4 từ mức 1,84% vào cuối tháng 3.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng hút ròng 57,8 nghìn tỉ đồng (2,3 tỉ USD) tính tới ngày 10.5 sau khi bơm ròng 66,5 nghìn tỉ đồng (2,6 tỉ USD) vào cuối tháng 4 trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng. Do đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm neo ở mức trên 4,0% tính đến ngày 10.5, tăng từ mức 3,98% vào cuối tháng 4.

"Mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể, ít nhất là trong quý tới. Chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm. Quay lại thời điểm cuối tháng 3, NHNN đã hút ròng tới 170 nghìn tỉ đồng (6,6 tỉ USD). Sau đó, khi lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng, NHNN đã tích cực bơm thanh khoản trở lại hệ thống trong hầu hết tháng 4. Những động thái linh hoạt này sẽ đảm bảo tỷ giá vẫn được hỗ trợ nhưng tránh gây áp lực quá lớn lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay" - ông Hinh phân tích.

Vị chuyên gia cho rằng trong khi việc lãi suất huy động giảm từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, dẫn đến chi phí vốn thấp hơn, có thể cho phép các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay. Tín hiệu lãi suất huy động chạm đáy và bật tăng trở lại trong tháng vừa qua có thể là chỉ báo cho thấy dư địa giảm thêm lãi suất cho vay không còn nhiều. Bởi các ngân hàng thương mại còn phải cân đối với các chỉ tiêu kinh doanh khác và duy trì tỉ lệ NIM lành mạnh.

Còn chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn