MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng chịu nhiều áp lực khiến lãi vay khó giảm ngay. Ảnh: Gia Miêu

Lãi suất vay chưa thể giảm nhanh

Gia Miêu LDO | 04/06/2023 09:22

Hiện nhiều khách hàng vay vốn vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi suất vay với dư nợ cũ do chi phí vay vốn tùy thuộc vào việc ngân hàng còn tồn một lượng vốn đã huy động lãi suất cao trước đó bao nhiêu.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho ngân hàng hạ lãi vay, giảm chi phí vốn, từ đó hạ lãi suất huy động. Quan sát trên thị trường, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của nhóm Big 4 còn 5,5%/năm, nhóm ngân hàng TMCP lớn và trung giảm hết về mức dưới 8%/năm và chỉ còn lác đác ngân hàng nhỏ có lãi suất 8 - 8,3%/năm. Với các kỳ hạn dài, lãi suất huy động chỉ còn 8,6%/năm. Điều này cho thấy các ngân hàng nhỏ vẫn phải duy trì lãi suất cao để thu hút vốn. 

Các chuyên gia cho rằng, chưa thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất quay về thời kỳ “tiền rẻ”. Trước đó, NHNN cho biết, qua theo dõi báo cáo của các tổ chức tín dụng, hiện ở các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới khoảng 9,3%/năm, giảm 0,65% so với cuối năm 2022. Còn với các khoảng vay hiện hữu thì qua trao đổi với nhiều lãnh đạo ngân hàng thì hiện nay, đã có nhiều ngân hàng đưa ra chính sách sẽ giảm 0,3 - 0,5% lãi vay với khách hàng hiện hữu, song phải có những điều kiện đi kèm chứ chưa thể áp dụng sâu rộng. Nguyên nhân xuất phát từ việc chi phí vốn của các ngân hàng vẫn còn đang rất cao. 

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động để giảm chi phí vốn. Ảnh: VCB

TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính của DGCapital cho rằng từ cuối năm 2022, hầu hết ngân hàng phải chịu mặt bằng lãi suất huy động quá cao, lãi suất huy động mới bắt đầu hạ nhiệt vài tháng. Trong khi đó nhu cầu tín dụng lại rất yếu khiến cho vốn đã huy động vẫn chưa thể giải ngân được. Điểm hạn chế lớn nhất hiện nay là các khoản tiền gửi huy động được trong giai đoạn lãi suất cao từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay vẫn còn trong hạn, nên vẫn ảnh hưởng lên chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng.

Một nguyên nhân nữa đang khiến cho mặt bằng lãi suất vay khó giảm nhanh đó chính là câu chuyện nợ xấu. Số liệu mới nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 3%, nhưng qua rà soát, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.... Điều này buộc nhiều ngân hàng phải chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhằm tăng nguồn lực để ứng phó với nợ xấu phát sinh, dẫn đến chi phí tín dụng tăng và ít có dư địa để giảm lãi suất.

Dự kiến từ giữa năm nay, các khoản tiền gửi lãi suất cao này sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn đáo hạn, khi đó chi phí vốn giảm nhanh hơn, lúc đó sẽ  tạo điều kiện cho lãi suất cho vay bắt đầu có những bước giảm lớn hơn. Đặc biệt với việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nếu vẫn ổn định, cộng thêm việc NHNN tiếp tục mua ngoại tệ và bơm tiền đồng giúp thanh khoản hệ thống duy trì mức độ dồi dào, việc giảm lãi suất sẽ rõ ràng hơn, TS Nguyễn Duy Phương đưa ra nhận định.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn