MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẫn còn dư địa giảm lãi suất. Ảnh: Hải Nguyễn

Lãi suất vay đã không còn lạc nhịp

Gia Miêu LDO | 08/07/2023 07:30

Nhiều chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 27.6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy cho thấy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp, bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Xét về mặt bằng lãi suất, không ít ngân hàng giảm lãi suất huy động hơn 1%/năm tại các kỳ hạn dưới 6 tháng, xấp xỉ 3%/năm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trong thời gian ngắn, khiến nhiều khách hàng bất ngờ. Và cùng với đó, lãi vay sớm “hòa nhịp”.

Theo khảo sát lãi suất vay ngân hàng tháng 7.2023 ở nhiều ngân hàng đã giảm từ 0,5-2% so với đầu năm. Đây được cho là tín hiệu tích cực sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay. Ngoài giảm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng hiện hữu, nhiều ngân hàng cũng tung ra các gói vay mới với lãi suất ở mức dưới 10%.

Đơn cử, tại BIDV, từ ngày 15.6.2023, ngân hàng triển khai chương trình cho vay nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỉ đồng, lãi suất từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà, áp dụng đến hết ngày 31.12.2024, hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng.

Tuy nhiên, đối với các khoản vay cũ thì mức giảm không đáng kể, các ngân hàng thương mại tư nhân vẫn duy trì ở mức 12-14% do giá vốn các ngân hàng huy động cao đầu năm nay vẫn còn tồn kho.

Còn nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) đưa lãi suất cho vay với khách hàng cũ về dưới 11%/năm. Trong diễn biến có liên quan, ngày 27.6.2023, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 4985/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.

Đối với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đáng chú ý, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc phân tích đầu tư tài chính DGCapital, qua trao đổi với một số tổ chức quốc tế đều có quan điểm lãi suất có thể sẽ giảm thêm trong quý III/2023. Mức giảm sẽ là 0,5%, đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%/năm, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm mạnh khi mặt bằng lãi suất chính sách của Việt Nam hiện tại đã tiệm cận mức lãi suất tham chiếu ở Mỹ, đặc biệt nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn