MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Văn Nguyễn

Lãi tiền gửi bào mòn lợi nhuận BacABank

Lam Duy LDO | 11/05/2020 18:25

Trong khi nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận vì dự phòng rủi ro tín dụng tăng, chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao lại là yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận BacABank giảm tới 27% trong 3 tháng đầu năm.

Theo biểu lãi suất huy động VND đang được Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) áp dụng, các kỳ hạn huy động từ 6 tháng đến 36 tháng tại ngân hàng này đều đang có lãi suất trên 7%, phổ biến từ 7,2% đến cao nhất 7,6%/năm tăng dần theo thời gian gửi tiền.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 5.2020 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường ngân hàng hiện phổ biến chỉ 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và cao nhất 6,6-7,4%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

So với mặt bằng lãi suất này, dễ dàng nhận thấy các mức lãi suất huy động của BacABank là khá cao và đặc biệt có mức cao hơn rất nhiều ở các kỳ hạn huy động từ 6 tháng đến 12 tháng.

Các dữ liệu trong báo cáo tài chính quý I/2020 vừa được BacABank công bố cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, các chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tại ngân hàng tăng thêm tới gần 530 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019. Trong đó chỉ riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng tới trên 242 tỉ đồng, lên hơn 1.818,8 tỉ đồng.

Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tại BacABank tăng thêm tới gần 530 tỉ đồng. Ảnh: BCTC
Đáng chú ý trong các tháng đầu năm nay, BacABank cũng ghi nhận các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh hàng chục tỉ đồng so với cùng kỳ 2019. Gây chú ý nhất trong số này là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 44,1 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ 2019 là 0 đồng.

Diễn biến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến tại BacABank không gây nhiều bất ngờ nếu nhìn vào bảng phân tích chất lượng tài sản của ngân hàng.

Cũng như biến động nợ xấu tại một số ngân hàng khác, cả 3 nhóm nợ xấu tại BacABank đều có mức tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm 2020.

Cụ thể ở thời điểm ngày 31.3.2020, BacABank ghi nhận có 580 tỉ đồng nợ xấu, tăng xấp xỉ 80 tỉ đồng nợ xấu so với thời điểm đầu năm. Trong mức tăng này, nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn tăng tới hơn 58,5 tỉ đồng, lên mức 276,2 tỉ đồng.

Chi phí trả lãi tiền gửi tăng mạnh cùng với các khoản chi phí hoạt động khác và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều có mức tăng đáng kể trong 3 tháng đầu năm là các yếu tố khiến kết quả lợi nhuận của BacABank giảm rất mạnh so với cùng kỳ 2019.

Kết thúc quý I/2020, sau khi trừ đi các chi phí có mức tăng mạnh nói trên, BacABank đạt lợi nhuận trước 178,6 tỉ đồng. So sánh với con số lợi nhuận khả quan gần 245 tỉ đồng của cùng kỳ 2019, lợi nhuận của BacABank giảm tới 27% trong quý I/2020.

Cũng trong kỳ báo cáo, trong khi nhiều khoản chi phí tăng lên, một số hoạt động của BacABank như hoạt động dịch vụ giảm mạnh lãi từ 32,9 tỉ đồng trong cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 7,4 tỉ đồng. Nguồn thu nhập từ các hoạt động khác cũng giảm mạnh từ 21,5 tỉ đồng xuống chỉ còn 0,9 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn