MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật sẽ làm chậm mục tiêu "tăng trưởng xanh". Ảnh minh họa: Vũ Long

Lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật làm chậm mục tiêu "phát triển xanh”

Vũ Long LDO | 30/08/2021 18:58
Lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao, có thể làm chậm mục tiêu "phát triển xanh" tại khu vực này.

Nông dân "nghiện" sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật

Lý giải vì sao sử dụng nhiều phân bón, hóa chất, ông Nguyễn Mười (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết gia đình ông có gần 2ha đất trồng lúa, mỗi năm làm 3 vụ. mỗi hecta ông sử dụng 500-600kg phân bón, 0,5kg thuốc bảo vệ thực vật dạng bột và 2-3 lít thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng.

“Gia đình cũng thử trồng lúa hữu cơ, không bón thuốc thì cây lúa bị dịch hại phá hết, đặc biệt là các loại rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ hoành hành, đặc biệt là ở giai đoạn lúa đẻ nhánh. Ngoài ra, còn có bệnh lép hạt, rầy cánh phấn, sâu đục thân, bệnh cháy bìa lá,... khiến cây lúa không thể sinh trưởng” – ông Mười chia sẻ.

Ông Lê Hữu Tài - nông dân tại Kiên Giang cũng cho biết, nếu trồng 1 vụ, đất được nghỉ ngơi, bồi thêm phù sa thì lúa còn phát triển dù không dùng các loại phân, bón hóa chất. Nhưng hiện nay hầu hết nông dân trồng 2-3 vụ, đất bị khai thác cạn kiệt, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón, năng suất rất thấp.

"Bón phân nhiều, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nhiều nhưng nếu tuân thủ quy trình bón, thu hoạch thì vẫn an toàn, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm" - ông Tài nêu ý kiến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lượng phân bón sử dụng bình quân trên mỗi hecta đất canh tác cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước; lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng cũng cao hơn mức trung bình cả nước tới 71,9%. Điều này phổ biến đến mức, khiến nhiều chuyên gia nông nghiệp coi đây là hệ lụy của ngành.

Thống kê của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) cho thấy, khu vực các tỉnh ĐBSCL có 343 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ có 241 cơ sở với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), còn lại là phân bón hữu cơ (749,6 nghìn tấn/năm).

Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ĐBSCL là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước, với lượng phân bón bình quân 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước. Đối với phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560kg/ha, nhưng nông dân ĐBSCL bón bình quân đến 754 kg/ha, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng tại ĐBSCL cũng ở ở mức cao hơn trung bình cả nước khoảng 64,56% - bình quân 1ha gieo trồng, nông dân khu vực này sử dụng 6,27kg thuốc bảo vệ thực vật.

Lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật làm chậm mục tiêu "tăng trưởng xanh"

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, mặc dù được khuyến cáo, nhưng hiện tại vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao, làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Đại diện nhiều tỉnh tại ĐBSCL cũng thừa nhận, việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật của một số nông dân tại ĐBSCL nhiều khi còn cảm tính, thậm chí là "lạm dụng".

Trong khi đó, với mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành một vùng động lực phát triển kinh tế, đạt được tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đa dạng..., Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, từ thực trạng sử dụng hóa chất nêu trên, nếu không có hướng xử lý dứt điểm, ĐBSCL khó cán đích "tăng trưởng xanh" đúng thời hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn