MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kích cầu mua sắm dịp Tết nguyên đán nguyên đán. Ảnh: Hiếu Anh.

Làm gì để kích cầu sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024?

QUANG MINH (ghi) LDO | 22/01/2024 20:41

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, để kích cầu kinh tế, gia tăng sức mua dịp cận Tết Nguyên đán, cần kiểm soát tốt vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại. Sâu xa hơn là giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Kích cầu thị trường bền vững

Chuyên gia Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - nhận định, kích cầu tiêu dùng quan trọng nhất là tạo thêm sức mua xã hội một cách bền vững.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. Ảnh: Quang Minh.

Thống kê hằng năm cho thấy, sức mua xã hội sẽ tăng dần cho đến cuối năm. Trong 1, 2 tháng nay, liên tục các hội chợ thương mại, các cuộc xúc tiến giới thiệu sản phẩm, các đợt khuyến mãi được mở ra ở các vùng miền, các siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước.

Vị này khẳng định, tiêu dùng là một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế tại Việt Nam. Trong khi xuất khẩu còn có những khó khăn thì thị trường nội địa một trăm triệu dân và nhiều tiềm năng chưa được khai thác, chắc chắn là cái đích mà các nhà sản xuất bán lẻ phải đặc biệt quan tâm.

“Chúng ta rất coi trọng các biện pháp kích cầu đang thực hiện, từ 1.7.2023 lại được kích thích thêm với chính sách giảm thuế VAT của nhà nước sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho sức mua xã hội từ nay đến Tết Nguyên đán 2024.

Trong việc kích cầu tiêu dùng, kinh nghiệm cho biết, việc tạo sức mua bền vững chắc chắn là giải pháp quan trọng nhất mà chúng ta phải đi sâu và đề cập tới nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy sản xuất, tăng doanh số bán lẻ, lợi nhuận cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Chuyên gia Vũ Vinh Phú nói và khẳng định để làm được điều này, sâu xa hơn phải giải quyết bài toán tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của từng gia đình và các cá nhân trong cộng đồng.

Làm được hai vấn đề trên không chỉ nâng cao sức mua của người lao động của khu vực doanh nghiệp và đầu tư công mà còn có sức lan toả mạnh mẽ sang các ngành sản xuất vật chất, dịch vụ khác như cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất, các vật liệu như sắt thép, xi măng... để phục vụ cho các công trình được đầu tư trong cả nước.

Tiếp theo đó chúng ta phải giải bài toán giữa sản xuất và phân phối tiêu dùng. Hàng hóa sản xuất hiện nay khá dồi dào, chất lượng đã được nâng cao một bước, tuy nhiên sự gắn kết giữa sản xuất phân phối còn lỏng lẻo, chia cắt, còn mang tính cục bộ, lợi nhuận trong chuỗi giá trị phân chia không công bằng, thiệt hại thường rơi vào người sản xuất của cải vật chất cho xã hội.

Siết chặt buôn lậu, gian lận thương mại

Bên cạnh tạo việc làm cho người lao động, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, lực lượng chức năng cũng cần kiểm soát hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại. Bởi vấn nạn này đang khiến người sản xuất kinh doanh chân chính bị thua thiệt. Mặt khác việc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại nội địa còn thiếu bình đẳng, minh bạch, công khai. Chính những vấn đề tồn tại này đã làm hạn chế đáng kể việc kích cầu tiêu dùng.

Có một thực tế mà ai cũng nhận thức được đó là: Sức mua không thể tăng lên một cách mạnh mẽ được bởi trong giai đoạn kinh tế hiện nay, theo Viện Kinh tế công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam điều tra là lương công nhân chỉ đủ trang trải 75% cuộc sống. Còn nông dân chiếm tới 70% lực lượng lao động xã hội thì hàng hóa nông sản làm ra hay bị được mùa mất giá, lợi nhuận sau bán ra không đủ chi phí trồng trọt chăn nuôi...

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, nếu phát huy được những mặt mạnh của các đợt kích cầu, đồng thời khắc phục những tồn tại khiếm khuyết nêu trên, chắc chắn việc kích cầu tiêu dùng sắp tới sẽ có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện kế hoạch lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2024. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển sản xuất thương mại dịch vụ những năm tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn