MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp cần tận dụng được cơ hội từ những sửa đổi luật mới nhằm mở rộng thị trường, khả năng kết nối rộng hơn, thúc đẩy đối tượng đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn. (Công nhân bên dây chuyền sản xuất gạch men). Ảnh: Hải Nguyễn.

Làm gì để Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp không còn nằm trên giấy?

Đặng Tiến LDO | 27/12/2020 09:40
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 ban hành sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021 mang nhiều ý nghĩa và tác động lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng làm gì để doanh nghiệp và nhà đầu tư tận dụng cơ hội của luật để tiếp cận đầu tư phát triển kinh tế xã hội, giúp các doanh nghiệp không bị bỡ ngỡ trong việc áp dụng luật vào thực tiễn?

Nhiều điểm mới hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Hội thảo "Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - ông Trần Hữu Huỳnh - nhận định, hệ thống pháp luật trong mảng kinh doanh thời gian qua vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, khả thi và minh bạch. Tuy nhiên, với việc ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, tình trạng này đã ngày càng được cải thiện với tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn.

Cũng theo ông Huỳnh, Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17.6.2020 và có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2021, thay thế Luật Đầu tư 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Tương tự, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Với nhiều điểm mới sửa đổi, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình khởi sự kinh doanh.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Thương Việt Nam (VCCI) - ông Hoàng Quang Phòng, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần hiểu rõ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020. Doanh nghiệp cần tận dụng được cơ hội từ những sửa đổi luật mới nhằm mở rộng thị trường, khả năng kết nối rộng hơn, thúc đẩy đối tượng đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh hợp tác tại Việt Nam.

Cần chi tiết hoá khi đưa Luật vào cuộc sống

Theo Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, qua 3 lần sửa đổi, Luật Đầu tư có nhiều điểm mới, đã tháo gỡ được những vướng mắc trong thực thi áp dụng để luật đi vào cuộc sống tốt hơn và đáp ứng nhu cầu hội nhập của quốc tế. Những sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã giải quyết được những yêu cầu thực tiễn và được nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng được những kỳ vọng, một số quy định mới đưa vào luật trong quá trình hướng dẫn, triển khai vào thực tế cũng sẽ có những vướng mắc.

Theo các chuyên gia, để hai luật được thực hiện trôi chảy và thực sự tạo được thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp thì cần có một loạt các nghị định hướng dẫn, những nội dung còn để ngỏ trong hai luật này và chi tiết hóa quy định để Luật sớm đi vào cuộc sống. Theo luật sư Lê Đình Vinh, khi chưa có Nghị định thì luật vẫn còn nằm trên giấy. Đồng thời, cần phải rà soát để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan để đồng bộ với các quy định mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Theo đó, Luật Đầu tư 2020 tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện. Tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Luật đã bổ sung các quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Ngoài việc bổ sung một số ngành nghề còn bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Theo đó, việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét trên cơ sở các tiêu chí các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; Các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh; Các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Cũng theo luật sư Vinh, Luật Đầu tư 2020 đã hiện thực hóa các cam kết chung và các quy định về hạn chế tiếp cận thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư thế hệ mới, cụ thể là cam kết về hạn chế đối xử quốc gia đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Về nhóm các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhằm đảm bảo mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để thu hút hoạt động đầu tư theo các mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang xuất hiện trong xã hội hiện đại.

Về nhóm các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài phát triển trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.

Luật Doanh nghiệp 2020 có hơn 40 điều thay đổi mới cần lưu ý, như về giá trị con dấu doanh nghiệp và bỏ nội dung và thủ tục sử dụng con dấu, sửa thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật và bỏ báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp... Trong đó, có những điểm mới là quy định về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Cụ thể, nếu có 1 đại diện chủ tịch hoặc giám đốc; Nếu có 2 đại diện với công ty TNHH: Chủ tịch và giám đốc; Với công ty cổ phần: Chủ tịch hoặc giám đốc. Điều cần chú ý là tại luật năm 2020 có thay đổi là: Nếu phân chia quyền, nghĩa vụ không rõ, mỗi người đều là đại diện đủ thẩm quyền và tất cả phải chịu trách nhiệm liên đới... Về thời hạn góp vốn thành lập doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn giữ nguyên thời hạn 3 tháng nhưng đã mở hơn và dễ thở hơn khi quy định không tính thời gian làm thủ tục hành chính.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam - nhận xét, Luật Đầu tư năm 2020 sửa đổi đã đưa giáo dục vào danh mục ưu đãi đầu tư. Vì thế, bà Dung hy vọng các trường đại học quốc tế sẽ được ưu đãi về thuế, thuế thu nhập, đất đai... Dù còn mặt được và chưa được của 2 luật này, nhưng các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, Chính phủ cần ban hành ngay các nghị định hướng dẫn những nội dung còn để ngỏ trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 để những quy định đó được chi tiết hóa và đi vào cuộc sống, nếu không thì các luật này vẫn còn nằm trên giấy mà thôi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ tất cả quy định của pháp luật liên quan nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn