MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình trồng tre lục trúc để lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên. Ảnh: Lam Thanh

Làm giàu, tạo sinh kế bền vững từ mô hình kinh tế mới

Ngọc Minh LDO | 19/07/2023 08:50

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đang triển khai mô hình kinh tế trồng tre lục trúc để lấy măng. Không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo, mô hình này còn tạo sinh kế bền vững, giải quyết vấn đề việc làm tại địa phương.

Tre lục trúc là sản phẩm nông nghiệp cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao được nhiều bà con nông dân ưa chuộng. Vì lẽ này, những năm gần đây, mô hình trồng tre lục trúc lấy măng đang nở rộ tại các địa phương ở Thái Nguyên.

Một trong những người tiên phong xây dựng mô hình trồng tre lục trúc tại huyện Đồng Hỷ, anh Lâm Xuân Quang (SN 1978, xóm Cây Thị) cho biết, trong một lần đến Đài Loan (Trung Quốc) công tác, một người bạn đã giới thiệu đến tham quan mô hình trồng tre lục trúc lấy măng. Khi tiếp xúc mô hình này, mình thấy được giá trị và tiềm năng kinh tế mà giống cây mang lại.

Sau khi về nước, anh Quang đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức về giống tre lục trúc này. Qua những lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng công sức của anh đã được đền đáp.

Trải qua 8 năm ròng, giờ đây mô hình trồng tre lục trúc của anh Quang đã mở rộng hơn 4 ha. Số cây tre giống ban đầu cũng đã phát triển lên đến hơn 4.000 khóm cây.

“Mỗi 1 ha đất trồng tre, nếu đã có sẵn đất sẽ tốn từ 200 - 250 triệu, đó là tiền giống và vật tư, phân bón. Tuy nhiên, nếu làm đúng công thức, khi cây sinh trưởng tốt thời gian hoàn vốn rất nhanh. Cũng không phải chăm sóc nhiều” - anh Quang cho biết.

Hiện nay, ngoài măng tươi thành phẩm, mô hình của anh Quang còn chế biến măng thành các sản phẩm khác như: Măng khô, măng ăn liền, măng ớt…

Việc trồng tre lục trúc không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn tạo công việc cho người dân địa phương. Hiện anh Quang đang sử dụng 8 nhân công phục vụ cho việc khai thác măng, với mức lương dao động từ 6 - 7 triệu/người/tháng.

Cũng thành công từ việc phát triển mô hình trồng tre lục trúc, chị Nguyễn Thanh Tâm (Đồng Hỷ) cho biết, tre chính là loài cây thay đổi cuộc đời chị.

Theo chị Tâm, chi phí đầu tư lớn nhưng 1 ha tre lục trúc từ năm thứ 2 trở lên sẽ cho sản lượng từ 12 - 15 tấn măng/năm. Thời gian khai thác kéo dài 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Với giá trung bình măng thu mua từ 95.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi khấu trừ chi phí sẽ lãi hàng trăm triệu đồng/ha.

“Mong muốn lớn nhất là cây tre lục trúc sẽ xuất hiện trên những kệ hàng thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng khắp cả nước, thậm chí vươn xa ra thị trường quốc tế” - chị Tâm cho biết.

Trao đổi PV Báo Lao Động, một lãnh đạo UBND xã Cây Thị cho biết, tiềm năng của mô hình này là khá lớn. Chính vì thế, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ dân nhân rộng mô hình, tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn