MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc rừng U Minh hạ, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Làm giàu từ những cây cỏ bỏ đi vùng U Minh hạ

NHẬT HỒ LDO | 19/10/2022 17:23
Cà Mau - Những cây, cỏ mọc đầy vùng U Minh hạ những tưởng bỏ đi nhưng qua bàn tay và trí tuệ của người dân đã đánh thức tiềm năng vùng đất, vươn lên làm giàu.

Năm 2018, anh Khưu Văn Chương ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau quyết định bỏ phố về quê quyết tâm làm giàu từ cây nhàu.

Cây nhàu mọc đầy ở đất U Minh hạ, nhiều sản phẩm từ loại cây này đã được biết đến, nhưng sản xuất bài bản, quy mô thì chưa.

Cây nhàu được trồng khá nhiều ở U Minh hạ. Ảnh: Nhật Hồ

Ðể biến ý tưởng thành hiện thực, anh bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu trồng nhàu hữu cơ trên diện tích 5ha của gia đình tại ấp Công Nghiệp, xã Lợi An và thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI.

Hiện tại, sản phẩm nước cốt nhàu nguyên chất SK NONI JUICE đang được tiêu thụ tại 3 thành phố lớn gồm: Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, với khoảng 80% lượng khách hàng. Ngoài ra, sản phẩm cũng đã thâm nhập một số thị trường khác như: Bình Ðịnh, Gia Lai, Biên Hoà, Cần Thơ. Nước cốt nhàu cũng đã được nhiều bà con Cà Mau biết đến và thường mua làm quà tặng bạn bè, người thân trong các dịp lễ, Tết.

Sản phẩm nước cốt nhàu đã được xuất khẩu. Ảnh: Nhật Hồ

Anh Chương cho biết, công ty vừa được tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ. Bên cạnh đó, việc đa dạng hoá sản phẩm phù hợp từng đối tượng khách hàng cũng là yếu tố mà SK NONI đang nghiên cứu và phát triển. Hiện tại Công ty SK NONI đã giải quyết việc làm thời vụ cho một số lao động tại địa phương. Sắp tới, khi việc mở rộng nhà xưởng sản xuất hoàn thiện, SK NONI sẽ hỗ trợ người dân quanh vùng có thêm thu nhập từ việc trồng và bán trái nhàu cho công ty.

Sản phẩm Rượu Quý làm từ trái nhàu. Ảnh: Nhật Hồ

Cũng từ nguyên liệu cây nhàu, vùng U Minh hạ xuất hiện một loại Rượu Quý được làm từ thành phần nguyên liệu chính là trái nhàu. Trái nhàu có công dụng chữa các bệnh lý như đau lưng, đau gân, viêm khớp; trào ngược dịch dạ dày, nhuận tràng; ho cảm, viêm phế quản, hen suyễn; vảy nến, ban đỏ; tiểu đường, hỗ trợ hệ miễn dịch.

Từ năm 2018, Công ty TNHH Phát triển xanh Việt Nam đã thuê các chuyên gia của Bộ môn Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu phát triển một sản phẩm rượu có nguồn gốc từ trái nhàu.

Rượu dùng để sản xuất Rượu Quý được mua từ Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây. Rượu đã được lọc loại bỏ các độc tố nên an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Công ty TNHH phát triển xanh Việt Nam sẽ tìm kiếm và mua rượu có nguồn gốc từ Cà Mau để sản xuất Rượu Quý nếu đảm bảo về chất lượng và số lượng.

Để tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào cũng như hướng đi lâu dài anh Quý, Giám đốc công ty cho biết đã chủ động liên kết với 20 hộ nông dân ở ấp Tân Hồng, xã Tạ An Khương Nam (huyện Đầm Dơi) trồng khoảng 2.000 gốc nhàu để phục vụ sản xuất, bao tiêu sản phẩm với giá thu mua tối thiểu 6.000 đồng/kg. Cây giống và quy trình trồng, chăm sóc do công ty cung cấp và hướng dẫn cho người dân.

Nhờ áp dụng phương pháp sản xuất rượu tiên tiến nhất hiện nay nên Sản phẩm Rượu Quý có ưu điểm nổi trội so với các loại rượu trái cây trên thị trường hiện nay là rất trong, các loại khác thường bị đục và hay bị cặn dưới đáy.

Cuối năm 2019, Rượu Quý được bán ra thị trường và bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu của mình. Rượu Quý được thị trường chấp nhận và có mặt tại nhiều nhà hàng, quán ăn.

Tinh dầu tràm U Minh Hạ. Ảnh: Nhật Hồ

Vùng đất U Minh hạ có trên 20.000ha diện tích trồng tràm. Người ta trồng tràm lấy gỗ, bỏ cành, lá. Anh Huỳnh Khánh Lập, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thấy tiếc nên mày mò tìm cách chiết xuất tinh dầu từ lá tràm.

Để có thành công như hôm nay, anh Huỳnh Khánh Lập đã dành thời gian 10 năm để mày mò, nghiên cứu quyết khai thác lá tràm để làm tinh dầu. Cũng từ đây, mở ra một hướng đi mới, đầy triển vọng cho xứ sở của cây tràm.

Trái giác U Minh hạ. Ảnh: Nhât Hồ
Rượu từ trái giác U Minh hạ. Ảnh: Nhật Hồ

Vợ chồng bà Nguyễn Hồng Nhẫn, xã Khánh Thuận, huyện U Minh thấy trong rừng mọc bạt ngàn trái giác, bà Nhẫn chợt nhớ đến ông nội đã từng dạy về cách làm rượu trị nhức mỏi, xương khớp từ loại trái dại này nên quyết định làm thử.

Bà kể: “Mẻ rượu đầu tiên ủ thành phẩm, cha chồng tôi có rót ra mời một đoàn khách ghé nhà dùng cơm. Những người trong đoàn đều khen rượu thơm, ngon và có vị lạ đặc trưng. Họ có ý hỏi mua về làm quà. Vậy là tôi nảy ra ý định ủ rượu trái giác để bán". Sau nhiều lần ủ thử nghiệm, cải tiến, bà Nhẫn đã cho ra thành phẩm là rượu trái giác như ngày nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn