MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gỗ đã đạt giá trị kim ngạch kỷ lục gần 16 tỉ USD năm 2021. Ảnh: Vũ Long

Lâm nghiệp luôn dẫn đầu về xuất siêu, lập kỷ lục mới năm 2021

Vũ Long LDO | 28/12/2021 20:22

Nhiều năm gần đây, lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành nông nghiệp về xuất siêu với giá trị cao; từ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ luôn vượt trên 10 tỉ USD.

Vượt dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ xác lập kỷ lục mới

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) Bùi Chính Nghĩa, nhiều năm gần đây, lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành NNPTNT về thặng dư thương mại, hàng năm đạt mức xuất siêu với giá trị cao trên 10 tỉ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ năm 2019 đã đạt trên 10 tỉ USD và tăng mạnh ở các năm sau đó.

Tính đến hết tháng 12.2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng nông lâm thủy sản và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ USD trong năm 2021.

Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản của nước ta đạt tới 15,87 tỉ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020. Mức xuất siêu là 12,94 tỉ USD (tăng 21,2% so với năm 2020), tiếp tục xác lập nên kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.

Chiều 28.12.2021, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh: Nếu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 12,6 tỉ USD thì đến hết năm 2021, con số này đã tăng vọt lên gần 16 tỉ USD, xác lập kỷ lục mới.

Chỉ tính riêng thu dịch vụ môi trường rừng, năm 2021, ngành lâm nghiệp đạt 3.115 tỉ đồng, vượt 11% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉ lệ che phủ rừng cũng đã đạt 42,02%, tăng thêm khoảng 3.300ha so với năm 2020. Cùng với đó, năm 2021, tình trạng vi phạm rừng giảm rõ rệt (cả số vụ lẫn diện tích).

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), các doanh nghiệp đang hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự báo trước đó. Đặc biệt, Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ nút thắt về lưu thông nguyên liệu, hàng hóa, nhân lực, thống nhất và chuyển hướng về chiến lược chống dịch từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã hỗ trợ doanh nghiệp “phá băng” để nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trở lại.

Ngành gỗ đặt mục tiêu tăng trưởng mới trong năm 2022

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là phấn đấu duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỉ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng: 3.000 tỉ đồng.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28.3.2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Theo bà Cao Thị Cẩm - Ủy viên Ban chấp hành Viforest, hiện nay, có 60% các nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất theo các hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Mỹ. Đây là lợi thế cho các doanh nghiệp. Bên cạnh mặt hàng nội thất xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu. Hiện tại, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Nhật Bản với mức tăng trưởng khá ấn tượng. 

“Trong 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ, Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới và dự báo mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong xu hướng thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch. Đó cũng là lợi thế mà Việt Nam cần tập trung khai thác” – bà Cao Thị Cẩm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn