MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh minh họa: Đức Mạnh

Lạm phát năm 2023 tăng 4,16%

Đức Mạnh LDO | 29/12/2023 10:49

Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%).

Tại họp báo về số liệu kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2023, diễn ra sáng nay (ngày 29.12), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết chỉ số giá tiêu (CPI) dùng bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá nhóm lương thực quý IV/2023 tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục quý IV tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2023 - 2024, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý IV tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2022 do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ y tế quý IV tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước do giá khám chữa bệnh được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Giá đồ uống và thuốc lá quý IV năm nay tăng 2,69% so với quý IV/2022 do chi phí vận chuyển tăng, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 33,76% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước.

CPI các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: GSO

Theo bà Nguyễn Thị Hương, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

"So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm dần, từ tháng 7 theo xu hướng tăng trở lại. Trong năm 2023, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng 12 tăng 3,58%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm. Từ mức giảm 7,08% trong tháng 1.2023 đã giảm mạnh 31,73% trong tháng 6.2023. Sau đó mức giảm thấp dần và đến tháng 12 giá xăng dầu đã tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm 2022" - bà Hương thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn