MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lạm phát sẽ ép Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất?

Quý An (theo Wall Street Journal) LDO | 26/12/2022 08:47
Trong bối cảnh CPI đã lên 3,7%, một số nhà kinh tế cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tăng lãi suất cao hơn.

Tháng 11 vừa qua, chỉ số lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua. Có ý kiến cho rằng, BOJ sẽ xem xét việc thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm tới.

Sau động thái bất ngờ của BOJ vào ngày 20.12 vừa qua nhằm tăng trần lãi suất cơ bản, giới theo dõi thị trường đang có nhiều luồng ý kiến về việc mức lãi sẽ như thế nào. Duy chỉ có một điểm chung là lạm phát sẽ đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến động thái sắp tới của BOJ.

Rất nhiều người đang chờ quyết định của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda về lãi suất. Ảnh: Xinhua

Theo thống kê từ chính phủ Nhật Bản, tháng 11 vừa qua, chỉ số CPI (ngoại trừ thực phẩm tươi sống) của nước này đã tăng 3,7% so với cùng kì năm ngoái, tốc độ tăng đạt mức kỷ lục kể từ thời điểm tháng 12.1981.

Ngoài ra, còn có những dấu hiệu khác cho thấy, Nhật Bản đã thoát ra khỏi lối mòn hàng thập kỉ qua khi gần như không biến động giá. Điều này sẽ giúp BOJ có thể dựa vào để xem xét dỡ bỏ những chính sách mà Thống đốc Haruhiko Kuroda từng dày công xây dựng như lãi suất âm 0,1% hay giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm. Việc BOJ tăng biên độ dao động lãi suất từ cộng trừ 0,25% lên cộng trừ 0,5% đã khiến lãi suất tăng trên diện rộng.

Nhà kinh tế Mari Iwashita (Ngân hàng Daiwa Securities) cho biết, những chính sách nêu trên có thể sẽ được xem xét ngay sau mùa hè 2023 tới dưới thời thống đốc mới của BOJ. Nhiệm kì của ông Kuroda sẽ kết thúc vào tháng 4 năm sau.

Bà Iwashita cảnh báo rằng trước tiên, BOJ cần phải xác minh về vấn đề tiền lương của người lao động đang có đà tăng, thứ hai là nền kinh tế Hoa Kỳ không chìm sâu trong khủng hoảng.

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất trong năm nay, đẩy giá trị đồng USD cao hơn Yên Nhật, gây áp lực tăng lãi suất BOJ.

Trong một dấu hiệu tăng trưởng trong lạm phát cơ bản, giá tiêu dùng tại Nhật Bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống) đã tăng 2,8% vào tháng 11.2022 so với cùng kì năm 2021. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOJ cho thấy, lạm phát không chủ yếu do nguyên nhân tăng giá dầu nhập khẩu và khí đốt tự nhiên.

Một số nhà hoạch định chính sách nhận thấy sự thay đổi trong tư duy giảm phát kéo dài hàng thập kỷ của Nhật Bản. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến sức tiêu dùng, khiến người dân ngần ngại chi tiêu khi giá cả tăng. Do đó, các công ty dần gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giá.

Nissin Foods Holdings là một doanh nghiệp nổi tiếng với mì ăn liền ở Nhật Bản. Tuần trước, công ty này cho hay đã lên kế hoạch tăng giá mì đông lạnh lên 20% vào tháng 3.2023 do chi phí nguyên liệu cao hơn và đồng Yên yếu.

CoCo Ichibanya (chuỗi nhà hàng cà ri kiểu Nhật) từ tháng này đã bắt đầu tính thêm 6,5% cho món cà ri bò. Song do đồng Yên yếu nên vẫn là một món hời tương đối theo tiêu chuẩn nhà hàng Mỹ.

Đồng Yên Nhật đang yếu thế hơn đồng USD. Ảnh: Xinhua

Một số người hoài nghi rằng, bức tranh lạm phát của Nhật Bản đã thực sự thay đổi, bao gồm cả chính ngân hàng trung ương. Hội đồng chính sách của BOJ dự kiến lạm phát cơ bản sẽ giảm xuống 1,6% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4.2023 do giá dầu và một số mặt hàng khác đã ngừng tăng.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda phủ nhận rằng, sự thay đổi chính sách của BOJ vào tuần trước là báo hiệu bắt đầu của một đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay quá mức. Ông Kuroda cũng phủ nhận những lo ngại về việc lạm phát sẽ ở trên mức mục tiêu 2% đề ra. Theo người đứng đầu BOJ, động thái này là một cách để cải thiện hoạt động của thị trường trái phiếu.

Theo ông Kuroda, Nhật Bản vẫn cần thời gian để đạt được lạm phát bền vững, đi kèm với tăng trưởng tiền lương ổn định.

Sarah Tan - nhà kinh tế học tại Moody's Analytics - cho hay, lạm phát có thể sẽ đạt 4% vào tháng 12.2022 nhưng sẽ giảm vào năm 2023. Nguyên nhân một phần là do sự phục hồi giá trị của đồng Yên sau động thái của BOJ vừa qua. Sự phục hồi này dự kiến sẽ làm giảm giá hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi lạm phát ở Mỹ xảy ra do mức chi tiêu của người dân sau đại dịch, bà Tan cho rằng: "Ở Nhật Bản, áp lực giá do nhu cầu vẫn còn khan hiếm. Thống đốc BOJ nhiệm kỳ sau có thể điều chỉnh chính sách, nhưng rất khó để thấy một sự thay đổi cơ bản”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn